An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tín dụng chính sách góp phần hiệu quả vào xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang
10:43 AM 25/10/2020
(LĐXH)-Những năm qua, tại tỉnh Hà Giang, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đã giúp người dân tham gia vay và sử dụng nguồn vốn giảm nghèo hiệu quả.
Hà Giang là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn, núi đá, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khí hậu khắc nghiệt. Tỉnh có 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, 134 xã, 1.405 thôn đặc biệt khó khăn. Người dân hầu hết là đồng bào các DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đa số các thôn, bản đều xa thị trấn và trung tâm xã.
Xác định cho vay vốn tín dụng ưu đãi là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc giúp bà con nghèo dân tộc thiểu số có điều kiện và cơ hội để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, từ đó tự tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách. Các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân hiểu rõ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào kết quả hoạt động của Ngân hàng CSXH năm 2019.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Giang đã thực hiện ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Những công việc được ủy thác phù hợp với năng lực quản lý, phương thức hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể, nhờ đó phát huy được những điểm mạnh của tổ chức hội đoàn thể như mạng lưới rộng khắp, đội ngũ cán bộ đông, nhiệt tình đến tất cả các xã, thôn, bản. Các hội, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi, hướng dẫn về cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả; tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Công tác ủy thác thông qua tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo và hỗ trợ tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Đặc biệt, NHCSXH tỉnh Hà Giang luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch xã và tổ chức hoạt động của Tổ giao dịch xã để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện tại, Hà Giang đã tổ chức được 195/195 Điểm giao dịch xã, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay, nhất là hộ DTTS ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng chính sách. Trên 80% hoạt động giao dịch của NHCSXH tỉnh với khách hàng được thực hiện tại Điểm giao dịch xã đã tạo ra hình ảnh đẹp, được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Đồng thời, việc xây dựng được mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trở thành “cánh tay nối dài” trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người dân cũng luôn được NHCSXH Hà Giang quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 2.647 Tổ TK&VV đến 100% thôn, bản, tổ dân phố...  Thông qua mạng lưới Tổ TK&VV và tổ chức giao dịch tại xã, NHCSXH đã đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Đồng thời, hoạt động của các Tổ TK&VV, các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần cùng NHCSXH quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi. Vì thế mà vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và góp phần ổn định chính trị xã hội tại cơ sở.
Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã góp phần tạo nên “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS. Qua đó, giữ vững ổn định chính trị xã hội và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn trọng yếu, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn, xã giáp biên tại tỉnh Hà Giang.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Hà Giang được vay vốn phát triển sản xuất hiệu quả
Tính đến hết ngày 30.9.2020, công tác tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh có tổng nguồn vốn đạt 3.238,5 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, trong đó: nguồn vốn cân đối từ T.Ư trên 2.910 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH địa phương đạt 73,3 tỷ đồng. Doanh số đạt hơn 797 tỷ đồng/19.226 lượt khách hàng; nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ, giảm 877 triệu so với đầu năm; công tác thu lãi đạt 100% kế hoạch 9 tháng đầu năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 9.226 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất cải thiện đời sống; 41 căn nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng; 4.062 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn phát triển kinh doanh; 1.518 lao động được tạo việc làm; 5.776 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn được xây dựng...
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang được đầu tư chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập...
Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn, giúp cho đời sống của đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội và dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ người lao động đi lao động trái phép tại nước bạn. Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn. Từ đó đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hộ đồng bào DTTS đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường.
Trong những tháng cuối năm, NHCSXH tỉnh Hà Giang sẽ tập trung phân tích các nguyên nhân hạn chế để bàn, đề xuất giải pháp khắc phục một số tồn tại trong thời gian tới như: Doanh số cho vay chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn ở một số huyện, thành phố còn cao; công tác huy động tiền gửi thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn còn hạn chế, một số phòng giao dịch các huyện thu lãi theo kế hoạch còn thấp...
Đồng thời ngân hàng sẽ chỉ đạo toàn đơn vị và các địa phương bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được giao, có giải pháp để hoàn thành; quan tâm công tác tuyên truyền vận động ở cơ sở để người dân biết, tiếp cận được các nguồn vốn, chương trình; rà soát lại các đối tượng hộ nghèo, chính sách để đăng ký kế hoạch vốn năm 2021, đảm bảo sát thực tế; quyết tâm duy trì mức độ tăng trưởng. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của năm 2020, tạo tiền đề cho năm tiếp theo./.
Minh Hằng
TAG:
Tin khác
100% đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hòn Đất: Cuối năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%...
Lai Châu: Nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà trong dịp Trung thu cho trẻ em
'Quốc hội trẻ em' kỳ họp lần thứ 2 chính thức khai mạc
Huyện Tây Giang (Quảng Nam): Nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo
Cao Bằng: Đột phá trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Trẻ em tỉnh Hòa Bình được quan tâm, tạo điều kiện vui chơi an toàn, lành mạnh trong dịp Tết Trung thu 2024
Huyện Yên Dũng khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”