Tiếp tục ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc
(LĐXH)-Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta.
Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc - Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.
Từ những chủ trương trên, những năm qua, Đảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình công tác, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, hoàn thiện cơ bản hệ thống chính sách dân tộc, bao gồm: ban hành mới 01 Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ, 03 Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng 01 Chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) với tổng số vốn bố trí giai đoạn 2021 – 2025 hơn 134 nghìn tỷ đồng và 41 chương trình, chính sách mang tính chiến lược, có ý nghĩa quan trọng, tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và MN.
Với những chính sách tập trung đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) với kinh phí gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó tập trung xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và MN, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các DTTS rất ít người, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS.
Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương vùng đồng bào DTTS và MN khá cao, đạt bình quân 7% và tăng dần hàng năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa: cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ... Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và MN từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, từng bước nâng cao và đáp ứng nhu cầu của người dân. Hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS được quan tâm bảo tồn, phát huy. Cơ bản giải quyết được những vấn đề nổi cộm về di cư tự do, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II vào ngày 04 tháng 12 năm 2020 tại Hà Nội với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lãnh đạo các Bộ, ngành và hơn 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Một số chính sách về dân tộc chậm triển khai do thiếu vốn; một số vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn như: Kết cấu hạ tầng ở các vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn; di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,... chậm được giải quyết; việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS còn hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức trung bình thấp; tình hình an ninh, trật tự, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS và MN còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Theo đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, để có thể kịp thời triển khai thực hiện ngay Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực ngay từ bây giờ. Đặc biệt, là cơ quan được giao chủ trì quản lý Chương trình, vai trò của Ủy ban Dân tộc là rất quan trọng trong việc tổng hợp, tham mưu, tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi và danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia, trình Hội đồng thẩm định Nhà nước theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan chuẩn bị, phục vụ, tham mưu, giúp Hội đồng thẩm định nhà nước sớm hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030 theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt theo đúng quy định, bảo đảm không trùng lắp với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030./.
Mỹ Hạnh
TAG: