Tích cực thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân trở về
(LĐXH)-Ngày 12/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Theo số liệu từ Bộ Công an, từ năm 2010 đến hết quý III/2018, toàn quốc phát hiện hơn 3.000 vụ mua bán người với 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng. Gần 85% vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Trung Quốc (sang Trung Quốc chiếm 75%)...
Từ 2012 đến hết 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã) tổ chức gặp gỡ, tư vấn, thực hiện chế độ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách.
Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc hỗ trợ cho nạn nhân được đảm bảo đúng quy định về nội dung, định mức chi theo quy định của Nhà nước. Với các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố trước khi trở về địa phương được bố trí nơi lưu trú, hỗ trợ cần thiết tại Cơ sở hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố và được hỗ trợ tiền tàu xư để trở về nơi lưu trú. Còn với các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố, khi trở về đã được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng; với nạn nhân là trẻ em, chính quyền địa phương đã hướng dẫn thủ tục làm giấy khai sinh cho các bé.
Nhiều địa phương đã xây dựng các mô mình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, điển hình như: mô hình phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Bạc Liêu; mô hình nhóm tự lực ở các tỉnh: Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình Nhà nhân ái ở Lào Cai; mô hình trung tâm tiếp nhận nạn nhân của tổ chức IOM tại An Giang, Lào Cai... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã xây dựng đường dây nóng phòng, chống mua bán người tại An Giang, Hà Giang kết nối với Tổng đài 18001567/111 tại Hà Nội.
Các đại biểu dự hội thảo nhận định: Công tác tiếp cận, xác minh , bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức giúp nhiều nạn nhân bị mua bán trở về được bảo vệ, giúp đỡ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân được đẩy mạnh. Thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã, đang được triển khai tại cộng đồng cho thấy nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân phù hợp, tăng cơ hội cho nạn nhân được bảo vệ, ổn định sức khỏe, tinh thần, hỗ trợ về vốn vay, con giống vật nuôi, phát triển kinh tế. Nhiều nạn nhân sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ, có cuộc sống ổn định đã trở lại giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh và tham gia hoạt động xã hội tích cực.
Tuy nhiên, ý kiến tại hội thảo cũng chỉ rõ: đa số các nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng vì vậy gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Tại hầu hết các địa phương đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm. Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác vì vậy gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ vụ việc. Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội tại các địa phương còn hạn chế. Mô hình hỗ trợ nạn nhân chưa da dạng; số các địa phương có mô hình chưa nhiều...
Các ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xây dựng, thống nhất với các nước về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin hồi hương nạn nhân; thường xuyên tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xác minh, xác định nạn nhân; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho người dân ở sát biên giới, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao./.
Mỹ Hạnh
TAG: