Tiếp tục thực hiện công tác cai nghiện ma túy 6 tháng cuối năm
(LĐXH)-Tính đến hết tháng 4 năm 2020, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 53.335 người, trong đó số tiếp nhận mới là 10.218 người (giảm 5.858 người so với cùng kỳ năm 2019), số chuyển từ năm 2019 sang 38.244 người, số tái hòa nhập cộng đồng 13.480 người.
Hiện nay, tổng số học viên đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện là 34.982 người, trong đó 27.124 người theo quyết định của Tòa án, 5.424 người cai nghiện tự nguyện và 2.434 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định.
Còn tại 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện theo quy định, tính đến 30/4/2020 đã điều trị cho 1.103 người, trong đó số tiếp nhận mới 237 người, số chuyển từ năm 2019 sang 866 người, số tái hòa nhập cộng đồng 357 người. Số người nghiện đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện là 746 người.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2020, có 13 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho 1.711 người nghiện và 17 tỉnh, thành phố tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý cho 3.162 người.
Các địa phương tổ chức quản lý 100% người nghiện sau cai về cộng đồng, hiện nay đang quản lý sau cai cho 23.462 người. Riêng vấn đề quản lý sau cai tại cơ sở sau cai nghiện, hiện cả nước còn thành phố Hà Nội đang quản lý sau cai tại cơ sở quản lý cai nghiện cho 03 người nghiện.
Mặc dù đạt kết quả nêu trên song công tác cai nghiện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của việc thực hiện việc “cách ly xã hội”, “dãn cách xã hội” để phòng chống dịch Covid - 19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các tỉnh, thành phố tạm dừng việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, làm gia tăng người nghiện tại cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Việc tạm dừng cho gia đình thăm gặp học viên tại cơ sở cai nghiện, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người nghiện đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.
Cùng với đó, quy định về thủ tục tạm thời đưa học viên mắc bệnh nặng, đặc biệt các trường hợp cấp cứu vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở cai nghiện đi bệnh viện chữa bệnh (chờ Tòa án quyết định) tốn nhiều thời gian gây khó khăn cho cơ sở.
Quy định về thời hiệu của Quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở bắt buộc; Quyết định về quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai đối với người trốn thi hành Quyết định được tính từ khi hành vi trốn tránh chấm dứt, không thực sự phù hợp thực tiễn dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương.
Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân cơ bản do: người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai nghiện, khoảng 70% người nghiện sử dụng ma túy nhóm ATS thường có biểu hiện về tâm thần, loạn thần có hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội; một bộ phận người nghiện điều trị thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng heroin và ma túy khác hoặc bỏ liều; cán bộ Tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản; cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quyết liệt triển khai và không bố trí kinh phí để thực hiện.
Trong 6 tháng cuối năm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tiếp tục thực hiện xây dựng thể chế và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện. Cụ thể, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hoàn thiện Chương cai nghiện ma túy trong dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi); các quy định về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc; Thông tư quy định ghi chép, tổng hợp báo cáo về phòng, chống tệ nạn xã hội.
Xây dựng, ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và tiêu chuẩn chức danh theo vị trí việc làm đối với cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy, theo Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách cung cấp dịch vụ cho công tác cai nghiện tự nguyện. Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với Tòa án nhân dân tối cao đến năm 2025 (Dự kiến ngày 26/6/2020). Nghiên cứu, đề xuất việc nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cơ sở cai nghiện ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ở cơ sở về dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy theo mục tiêu đề ra.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về cai nghiện ma túy, trong đó: Tập trung tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, các biện pháp, hình thức cai nghiện và phòng, chống tái nghiện; tuyên truyền kết quả thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, mô hình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy, mô hình xã hội hóa công tác cai nghiện.
Cục Phòng chống tệ nạn Xã hội cũng sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy. Phối hợp tốt với tổ chức Colombo Plan, SAMHSA triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh./.
Lan Anh
TAG: