Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tiếp tục nhân rộng mô hình, điển hình cai nghiện thành công và tình nguyện viên tiêu biểu
04:08 PM 15/03/2017
(LĐXH) Ngày 15/3/2017, tại thành phố Thái Nguyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điển hình cai nghiện thành công và tình nguyện viên tiêu biểu. Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập chủ trì hội thảo...
Tham dự hội thảo, còn có đại biểu các Bộ, ngành, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chi cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội 20 tỉnh, thành phố, các tổ chức phi Chính phủ, người sau cai nghiện và tình nguyện viên tiêu biểu cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy quá trình đổi mới công tác cai nghiện thông qua chia sẻ kinh nghiệm tổ chức cai nghiện, học nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng; kiện toàn tổ chức chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động Xã hội thành các Cơ sở điều trị, cai nghiện; giới thiệu các mô hình, phương pháp, giải pháp cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện có hiệu quả, các điển hình người cai nghiện thành công, các tình nguyện viên tiêu biểu của Đội Công tác xã hội tình nguyện trong việc giúp đỡ người nghiện, trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tham khảo, đề xuất các chương trình kế hoạch áp dụng, nhân rộng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết: Hiện nay, tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp (nhóm ATS). Tính đến tháng 6 năm 2016, cả nước có 210.751  người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 10.617  người so với cùng kỳ năm 2015); trong đó, trên 60% sử dụng ATS, một số địa phương tỷ lệ người sử dụng ATS cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85% và An Giang là 76%... Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến nay, 53/63 tỉnh, thành phố đã  phê duyệt kế hoạch/đề án triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Về chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục Lao động xã hội (Trung tâm 06) thành cơ sở cai nghiện, đến tháng 12/2016, trong số 110 cơ sở cai nghiện, có 80 cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc; 24 cơ sở cai nghiện tự nguyện; 6 cơ sở chỉ tiếp nhận đối tượng xã hội. Năm 2016, các cơ sở cai nghiện đã tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên, trong đó, cai nghiện bắt buộc là 16.714 học viên, cai nghiện tự nguyện 3.470 học viên. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: 09 tỉnh, thành phố cai nghiện 3.566 người.
Trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác cai nghiện đứng trước không ít khó khăn, thách thức nhưng đồng thời cũng đã xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện có hiệu quả, nhiều người cai nghiện thành công, trong đó, không ít người trở thành tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, đã đóng góp tích cực cho công tác cai nghiện phục hồi.
Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến là mô hình Cơ sở cai nghiện thân thiện như  các Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội thành phố Hải Phòng, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện TP Hồ Chí Minh, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Nghệ An, Trung tâm điều trị nghiện  số 5 Hà Nội...
Nhóm tình nguyện viên chia sẻ kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ người nghiện ma túy và người sau cai hòa nhập cộng đồng
Đặc điểm chính của cơ sở cai nghiện thân thiện này là: Đổi mới cơ bản nhận thức và năng lực cán bộ, điều chỉnh bộ máy hướng vào hoạt động chuyên môn, tạo sự đồng thuận cao trong việc coi trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy vai trò cá nhân người nghiện. Tranh thủ, huy động mọi nguồn lực (nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ chức xã hội, cơ sở tự làm…) để củng cố cơ sở vật chất phục vụ đa dạng các loại hình dịch vụ cai nghiện. Công khai, dân chủ, minh bạch, nề nếp kỷ luật, thưởng phạt nghiêm minh được chú trọng đối với cả đội ngũ cán bộ và học viên. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với thân nhân người cai nghiện để cùng động viên, khuyến khích người cai nghiện. Là Cơ sở có nhiều kết nối với cộng đồng...
Điển hình nữa  là mô hình cai nghiện quân dân y kết hợp tại Thanh Hóa, Nghệ An;  mô hình kết nối cai nghiện và hỗ trợ sau cai;  mô hình Mạng lưới, Tổ, Nhóm, Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng;  mô hình nghiên cứu, áp dụng, cập nhật khoa học mới cho người cai nghiện tự nguyện ở Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh), Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD).
Bên cạnh những mô hình cai nghiện hiệu quả, còn có rất nhiều tấm gương cá nhân cai nghiện thành công. Đó là anh Lê Trung Tuấn (Hà Nội), từng nghiện 6 năm, bỏ ma túy gần 15 năm, trở thành Tổng Giám đốc doanh nghiệp với gần 10 công ty dịch vụ và thương mại, trong đó có nhiều người sau cai nghiện được tiếp nhận vào làm việc với thu nhập ổn định. Anh Tuấn hiện là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) với nhiều hoạt động đa dạng, trong đó có phương pháp phòng chống tái nghiện mới. Các doanh nghiệp của anh Tuấn đã hỗ trợ  kinh phí đắc lực cho hoạt động của PSD.
Hay như anh Nguyễn Anh Tuấn, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã cai nghiện ma túy được 10 năm, ổn định cuộc sống, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, đòng thời là tình nguyện viên Đội hoạt động xã hội tình nguyện. Đặc biệt năm 2013, anh đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh, trật tự và tư vấn, cảm hóa người nghiện. Năm 2015, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt nam.
Góp phần vào quá trình hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn có các  tình nguyện viên tiêu biểu ở các xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2016, 40/63 tỉnh, thành phố thành lập gần 3.000 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) với hơn 18.000 tình nguyện viên. Nhiều tình nguyện viên có thành tích xuất sắc trong việc vận động cai nghiện, tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Có thể thấy, các mô hình cai nghiện mới là kết quả triển khai chính sách đổi mới công tác cai nghiện, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của địa phương và những người thực hiện. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, bước đầu cho thấy sự tham gia tích cực của người nghiện và gia đình người nghiện./.
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
Đồng Tháp nhân rộng các mô hình giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng
Thúc đẩy các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh