An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp người khuyết tật
11:35 AM 22/12/2023
(LĐXH) - Để tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động quan tâm chăm lo đời sống cho đối tượng.
Các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn tuyên truyền trong lĩnh vực người khuyết tật
Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng Phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội) cho biết:  Thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, Việt Nam hiện có trên 7 triệu NKT, trong đó số NKT nặng, đặc biệt nặng rất lớn. Lĩnh vực NKT được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, Việt Nam đã ký tham gia công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với NKT được nâng lên, NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn trong hoạt động hòa nhập vào đời sống xã hội.
Các cơ quan Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, nhất là việc chăm lo cuộc sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội. Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức, qua đó tạo điều kiện để các tổ chức NKT đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp NKT.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 3 triệu người khuyết tật. Số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là trên 1,6 triệu người, ngoài ra người khuyết tật còn được hỗ trợ y tế, giáo dục, day nghề.
Bên cạnh đó, NKT còn được hỗ trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, học nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ tiếp cận các công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, trợ giúp pháp lý…
Đối với việc phát triển các tổ chức của người khuyết tật cũng được quan tâm hỗ trợ thành lập. Các tổ chức hội tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các công tác hỗ trợ NKT, từ việc tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách cho đến tổ chức thực hiện chính sách đối với người khuyết tật. Một số tổ chức hội hoạt đông có hiệu quả cao và ngày càng phát triển như: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã phát triển được mạng lưới ở 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 1.612 Hội cấp xã, phường; Hội Người mù Việt Nam đã có tổ chức ở 57 tỉnh, thành hội 529 hội xã, phường; Hội nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam đã phát triển 63/63 tỉnh, thành phố trên 6.500 xã/phường; Hội người khuyết tật có tổ chức ở 25 hội cấp tỉnh, thành phố, 427 Hội cấp xã.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng... Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp và chậm được điều chỉnh. Số NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác NKT là hoạt động từ thiện, nhân đạo, là trách nhiệm của ngành Lao động – TBXH. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT. Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng.  Một số nơi công tác tổ chức thực Luật Người khuyết tật và các chính sách về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện. 
Để phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm lo, giúp đỡ NKT, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật; Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp người khuyết tật; Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng các cấp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật.
Đồng thời cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, xóa bỏ định kiến, kỳ thị về NKT để tăng cường tiếng nói cũng như thúc đẩy việc thực hiện quyền của NKT ở Việt Nam hiện nay.
Đối với Cục Bảo trợ xã hội sẽ tiến hành đánh giá tổng kết Luật Người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và thực tiễn tại Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác người khuyết tật ở các cơ sở; phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội giúp đỡ người khuyết tật… Nghiên cứu, xây dựng một số luật liên quan đến người khuyết tật như: Luật trợ giúp xã hội, Luật sức khỏe tâm thần, Luật công tác xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật./.

Hồng Phượng
         
 
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa