Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tiếp tục hiện thực hóa cuộc chiến chống lại tội ác mua bán người
02:01 PM 30/08/2019
(LĐXH)-Ngày 30.8.2019, Cục Phòng chống TNXH tổ chức Hội thảo chia sẻ về công tác thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Toàn cảnh hội thảo
Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ giai đoạn tiếp theo của Dự án “ASEAN M-PACT: Bảo vệ, hỗ trợ, tăng cường năng lực và khả năng ứng phó của người di cư”. Dự án này được tài trợ bởi Cục Dân số, Người tị nạn và Di cư của Chính phủ Hoa Kỳ (PRM) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trực tiếp triển khai thực hiện. Hiện tại, IOM đang triển khai dự án này tại năm quốc gia thuộc khu vực Tiểu vùng sông MeKong và Malaysia từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2019.
Tính chất nghiêm trọng, tinh vi của hoạt động tội phạm mua bán người

Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu được cập nhập về tình hình tội phạm và công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019, hoạt động xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người đi dư cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.
Bà Michele Roulbet, Trưởng phòng Nội vụ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán). Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 25 triệu người bị mắc kẹt trong cảnh bị cưỡng bức lao động, nhiều người trong số họ đã bị buôn bán để khai thác. Khu vực các nước tiểu vùng sông MeKong, trong đó có Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ/năm. Còn lợi nhuận toàn cầu từ việc mua bán người lên tới khoảng 150 tỷ đô la Mỹ/năm.

Ông Brett Dickson, Trưởng Bộ phận Chương trình IOM Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại việt Nam, từ năm 2016-tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện xảy ra gần 1.100 vụ với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. So với giai đoạn trước, giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân, tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp.     
Nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ có phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, mang thai hộ, xuất hiện hình thức lợi dụng việc cho nhận con nuôi để đưa trẻ sơ sinh qua biên giới bán cho các đối tượng nước ngoài có nhu cầu… Tuy nhiên, nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ, độ tuổi từ 16-28.                                        
Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã khởi tố, điều tra 127 vụ/228 bị can (trong đó: 87 vụ/143 bị can về tội mua bán người, 40 vụ/85 bị can về tội mua bán người dưới 16 tuổi). Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 140 vụ/253 bị can.
Viện Kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 152 vụ/271 bị cáo (gồm 113 vụ/195 bị cáo về tội mua bán người, 39vụ/76 bị cáo về tội mua bán người dưới 16 tuổi); trong đó có nhiều bị cáo đã bị tuyên phạt với mức án cao, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Điển hình là một vụ mua bán người ở Quảng Ninh. Đó là chị Dương Thị Sinh, người dân tộc Dao đã đăng ảnh con mình trên zalo kèm theo tin nhắn không muốn nuôi đứa con mình sinh ra. Lý do rất đơn giản là bởi đứa con chị khi sinh ra đã không may mắn có một vết đen trên mặt, và theo phong tục của người Dao, những đứa trẻ như vậy là rất khó nuôi nên chị đã quyết không giữ con ở lại với mình. Kết quả, một người đàn ông tên Chìu Tắc Hình đã liên lạc được với chị Sinh và được chị đồng ý cho con. Sau đó, y đã liên hệ bán cháu Tuấn cho hai tên Tằng Dáu Lồng và Chịu Tài Múi với giá 56.000 nhân dân tệ. Hai người đàn ông tên Lồng và Múi này trước đó đã thỏa thuận bán cho một người Trung Quốc có tên Hứa Phó Tài đang có nhu cầu mua trẻ sơ sinh trai. Ngày 04/07/2017, theo thỏa thuận, Chìu Tắc Hình đã giao cháu Tuấn cho Hứa Phó Tài tại biên giới Việt – Trung. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã truy tố các bị can Hình, Lồng và Mùi về tội mua bán trẻ em theo Điểm e Khoản 2 Điều 120 Bộ Luật hình sự.
Hay tại Đắk Nông, trong khoảng thời gian từ 6/2016 đến 4/2017, Phạm Văn Diễn và 8 bị can khác đã dụ dỗ, lừa gạt đưa 22 phụ nữ và trẻ em bán sang Trung Quốc để làm vợ và con nuôi, thu lợi bất chính số tiền khoảng 200 triệu đồng. Tòa án nhân tỉnh đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo với mức án cao nhất là 20 năm tù cho 2 tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”…

Những khuyến nghị đẩy lùi tội ác mua bán người

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Mua bán người là tội ác, vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền và là hình thức của nô lệ hóa thời hiện đại. Nhìn chung, để hỗ trợ nạn nhân, qua 3 năm thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016-2020, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, ngày 12/8/2016, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH. Qua đó, đã tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân, thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân. 100% nạn nhân sau khi được giải cứu đã được các lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định và chế độ chính sách. Thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã và đang triển khai tại cộng đồng cho thấy có nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân phù hợp. Việc xây dựng các mô hình hỗ trợ, nhất là mô hình nhóm tự lực đã đem lại hiệu quả cho nạn nhân và cần thiết được tăng cường trong thời gian tới - ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, trong thời gian tới, trong công tác phòng chống mua bán người nói chung, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng, các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật, đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo sự bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng; thí điểm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân; tăng cường tập huấn, đào tạo cho cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ nạn nhân về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong công tác hỗ trợ nạn nhân; tăng cường phối hợp liên ngành cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Các đại biểu cũng đưa ra những khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống buôn bán người, những khuyến nghị về phương hướng triển khai Chương trình phòng chống mua bán người từ năm 2019-2020. Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội một số địa phương cũng chia sẻ một số khó khăn trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân như: Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn mỏng, thiếu kinh nghiệm; hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu tình hình nạn nhân còn hạn chế, chưa được cập nhật thường xuyên; một số quy định về thủ tục phức tạp; kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp…
Ông Brett Dickson – Trưởng Bộ phận Chương trình IOM Việt Nam cho biết, bản báo cáo về tình hình mua bán người của Văn phòng Giám sát và Phòng chống mua bán người thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng các nỗ lực thực thi pháp luật của Việt Nam phần nào bị cản trở bởi việc ban hành tương đối chậm trễ các hướng dẫn thi hành chính thức về Điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự. Thiếu sự phối hợp liên ngành và nhận thức của một số người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện về Luật Phòng chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân còn hạn chế.
Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người mặ dù đã được bổ sung, hướng dẫn nhưng chưa đồng bộ và kịp thời.  Không có cán bộ chuyên trách đấu tranh phòng, chống mua bán người. Trình độ ngoại ngữ của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng điều tra, thu thập chứng cứ và xử lý vụ án. Nhiều bị hại là những người vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh kinh tế còn rất khó khăn nên việc triệu tập lấy lời khai hoặc tham gia các hoạt động tố tụng khác nhằm mở rộng vụ án gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người còn bất cập, nên nhiều vụ án liên quan đến người nước ngoài, có đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài xử lý không triệt để…

Bà Nguyễn Minh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ Kết quả thực hiện công tác Truyền thông phòng chống mua bán người

Mặc dù so với giai đoạn trước, tình trạng mua bán người giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân. Song các đại biểu đều cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các trang mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các chủ trường, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phương thức, thủ đoạn, tác hại của tội phạm mua bán người để người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em có ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa không để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng.
Bên cạnh đó, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, giải cứu nạn nhân, phối hợp điều tra, tuy bắt các đối tượng, đường dây tội phạm mua bán người. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Bà Michele Roulbet, Trưởng phòng Nội vụ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho rằng nếu có sự hợp tác manh mẽ của tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, cơ quan tư pháp, các tổ chức dân sự xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thì sẽ tăng cường được năng lực của các bên liên quan để không chỉ xác định và điều tra tội phạm buôn người mà còn cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân, đồng thời nâng cao nhân thức về các nguy cơ và hậu quả của nạn buôn bán người.
Chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng cần phối hợp thực hiện các chính sách tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thường như lao động nhập cư, lao động mại dâm, lao động tẻ em và đào tạo các cán bộ có liên quan về các quy trình này. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người nói chung và quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ mua bán người nói riêng để học tập và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. /.

Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn