Tiếp tục có lộ trình phát triển công tác Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030
(LĐXH) - Có nhiều nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp, trong đó đã chú trọng về lộ trình cũng như kế hoạch cho mỗi giai đoạn cụ thể…
Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá, trước hết là các giáo dục nghề nghiệp ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì tiếp tục triển khai thực hiện đào tạo theo quy định hiện hành sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030.
Xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho người lao động. Tăng cường xã hội hoá đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao. Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức, các chương trình, trình độ đào tạo nghề nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ngoài có uy tín trong tổ chức đào tạo, chuyển giao chương trình, công nghệ đào tạo, trong trao đổi giáo viên, học sinh - sinh viên; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo bình đẳng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển mạnh các chương trình đào tạo thường xuyên, chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, công nghệ; đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp để lấy văn bằng, chứng chỉ; xây dựng đề án đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó quan tâm đến đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.
Phát triển mạng lưới các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển đội ngũ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tổ chức kiểm định và công bố công khai kết quả kiểm định chất lượng. Đánh giá phân tầng chất lượng để công nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng cao, tiếp cận trình độ ASEAN - 4 và tiếp cận trình độ các nước phát triển thuộc nhóm G20.
Triển khai mô hình quản lý/quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống quản lý tại trường trung cấp, trường cao đẳng; nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cấp và nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp về quản lý và bảo đảm chất lượng.
Phát triển, mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động lớn; thí điểm thành lập hội đồng ngành đối với một số ngành, nghề trọng điểm. Xây dựng, cập nhật, bổ sung tiêu chuẩn nghề quốc gia đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực ASEAN, APEC; tiếp tục tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Đàm phán, công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện và thiết bị dạy học; đầu tư phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị mô phỏng; ứng dụng thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm bớt đầu tư trang thiết bị; xây dựng thư viện điện tử, trung tâm học liệu số mở; chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu, chỉ số thống kê và khai thác thông tin, dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp trong quản lý đào tạo và quản trị nhà trường; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đánh giá kỹ năng nghề và công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với việc phát triển nhân lực cho đất nước. Hình thành mạng lưới truyền thông chuyên nghiệp; xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng, chuyên sâu; xây dựng kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí; cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho báo chí về định hướng dư luận, tạo niềm tin trong xã hội về chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
NHB
TAG: