Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. cùng với sự đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần mạnh mẽ thúc đẩy hiệu quả của công tác này, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ của các công ty công nghệ cao trong việc phát triển các ứng dụng phần mềm công nghệ trong việc bảo vệ trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, trong đó có Quyết định số 830/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật trẻ em năm 2016, Luật Báo chí 2016, Luật An ninh mạng 2018… đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã mở thêm các kênh để tiếp nhận thông tin từ người dân như: Zalo 111, App 111, Fanpage Tổng đài 111, Tongdai111.vn… để trẻ em và mọi người dân có thể kết nối qua các kênh trên một cách nhanh chóng và kịp thời. Trong năm 2023, tỉ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng so với năm 2022 ở các nội dung liên quan đến quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm lý và sức khỏe thể chất. Số lượng ca hỗ trợ, can thiệp cho nhóm trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực trong 9 tháng chiếm tỉ lệ cao (688 ca với 766 trẻ em, chiếm 55,9% trong tổng số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài). Việc phủ sóng các kênh hỗ trợ trẻ em đang từng bước ghi nhận những kết quả tích cực. Nổi bật, như hiện nay trong sách giáo khoa của học sinh đã có giới thiệu về Tổng đài 111, hướng lâu dài sẽ phổ cập sâu rộng để cộng đồng và mọi trẻ em đều dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ của tổng đài như in số điện thoại và giới thiệu tổng đài ở bìa sách, vở, trên các bao bì sản phẩm sữa, đồ dùng học tập, trên các phương tiện giao thông công cộng…
Cùng với đó, trong tháng 9 vừa qua, Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng đã ra đời với sự liên kết những tổ chức xã hội và doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu nhằm tạo cơ chế phản ứng nhanh và tích cực trước những biến đổi nhanh chóng của công nghệ; đồng thời tạo hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Một số thành viên ban đầu gồm có: Tổ chức Childfund Việt Nam, Tổ chức World Vision Việt Nam, Tổ chức Plan Internatinal Việt Nam, Công ty cổ phần viễn thông FPT, Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS)… Hoạt động này góp phần giúp Tổng đài 111 giảm tải nguồn thu nhận thông tin tư vấn về trẻ em trên không gian mạng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ bắt đầu triển khai chính sách nội bộ nhằm quy định chuẩn mực đạo đức và kiểm duyệt nội dung trước khi công bố trên nền tảng mạng xã hội; đầu tư xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các trò chơi trực tuyến, chương trình giải trí nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
“Một trong những ưu tiên của ChildFund là ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho mục tiêu chuyển đổi số trong bảo vệ trẻ em. Cụ thể là tăng cường các kênh báo cáo, tiếp nhận thông tin về bảo vệ trẻ em qua ứng dụng Tổng đài 111, Tài khoản Zalo Tổng đài 111 kết nối với hệ thống báo cáo truyền thống. Đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo trong tương tác với người dùng bằng tin nhắn và lời thoại tự động. Với những giải pháp trên, ChildFund mong muốn hỗ trợ Tổng đài giảm tải cho nhân viên tư vấn và góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam” - ông Lê Ngọc Bảo, Trưởng phòng Chương trình ChildFund Việt Nam chia sẻ./.
Đăng Doanh