Tiền Giang: Nỗ lực thực hiện chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội
(LĐXH) - Trong chín tháng đầu năm 2021, dịch bệnh covid-19 cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng đã và đang diễn ra rất phức tạp, tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân. Trước tình hình đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp phòng chống dịch bệnh covid-19, đồng thời nỗ lực thực hiện chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Tính đến hết tháng 9/2021, tỉnh Tiền Giang đã tư vấn lao động, việc làm cho 18.799 lượt lao động, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 94% kế hoạch năm, trong đó tư vấn nghề cho 4.288 lượt lao động, tư vấn việc làm 2.277 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 11.394 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 889 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 2.012 lượt lao động, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 50,3% kế hoạch năm; đã giới thiệu cho 754 lao động có được việc làm ổn định, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bao gồm tư vấn cho 562 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020 (23 lượt lao động đăng ký tham gia, giảm 20,7% so với cùng kỳ); 143 lao động xuất cảnh, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 47,7% so với kế hoạch năm, trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản 110 lao động, Đài Loan 30 lao động và thị trường khác 03 lao động. Chín tháng đầu năm, đã tiếp nhận được 11.411 người hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm 2020, 12.424 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2020, với tổng số tiền chi trả trên 187 tỷ đồng; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho 61.744 lượt lao động thất nghiệp, 23 người lao động thất nghiệp đã đăng ký học nghề.
Trong quý III năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại tỉnh Tiền Giang đã ảnh hưởng đến khoảng 96% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Do đó, số lao động ngừng việc rất lớn, chiếm khoảng 94% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Theo tổng hợp sơ bộ điều tra lao động việc làm quý III năm 2021, dân số từ 15 tuổi trở lên là 2.219 người (nữ chiếm 51,6%). Trong đó lực lượng lao động là 1.542 lao động, chiếm 69,5% dân số từ 15 tuổi trở lên của quý III năm 2021.
Theo kết quả điều tra mẫu lao động việc làm quý III/2021 tỷ trọng lực lượng lao động khu vực thành thị là 30%. Tỷ trọng của lực lượng lao động hiện nay vẫn tập trung chủ yếu là ở khu vực nông thôn (chiếm 70%). Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm của tỉnh quý III năm 2021 là 1.319 người, chiếm 59,4% so với tổng số người từ 15 tuổi trở lên. Trong tổng số lao động có việc làm của toàn tỉnh, lao động khu vực nông thôn chiếm 71,4% và khu vực thành thị chiếm 28,6%.
Theo kết quả điều tra mẫu lao động việc làm quý III/2021 tỷ lệ thất nghiệp tăng 13,1 điểm phần trăm so quý II năm 2021 và tăng 12,1 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020 (từ 2,4% năm 2020 lên 14,5% năm 2021). Trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị quý III tăng 16,3 điểm phần trăm so quý II và tăng 15,8 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020 (từ 2,8% lên 18,6%). Vì vậy, đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn tăng 11,8 điểm phần trăm so quý II và tăng 10,5 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020 (từ 2,2% năm 2020 lên 12,7% năm 2021). Cũng chính vì vậy, đã làm cho tỷ trọng thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 38,6% so với tổng số lao động thất nghiệp của toàn tỉnh và tỷ trọng số lao động thất nghiệp khu vực thành thị trong quý III năm 2021 tăng 2,7 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh tăng 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020 (từ 2,0% lên 5,6%) và tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị tăng 5,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ từ 2,0% năm 2020 lên 7,3% năm 2021 đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn tăng 2,8 điểm phần trăm (từ 2,0% năm 2020 lên 4,8% năm 2021). Tỷ lệ lao động thiếu việc làm 9 tháng đầu năm 2021 tương tự 9 tháng đầu năm 2020 là 7,4%.
Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn tỉnh, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nông thôn cũng như tỷ lệ số lao động thiếu việc làm trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 nhìn chung đều tăng so cùng kỳ năm 2020, là do trong quý III/2021 tỉnh Tiền Giang chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt đời sống, xã hội, các hoạt động dịch vụ du lịch, giao thông vận tải, sản xuất, kinh doanh, các hoạt động vui chơi, giải trí... nên số lao động thất nghiệp của quý III và 9 tháng năm 2021 tăng cao hơn quý III và 9 tháng năm 2020. Riêng số lao động thiếu việc làm trong quý III năm 2021 tăng cao hơn quý III năm 2020 và số lao động thiếu việc làm 9 tháng năm 2021 tương đương cùng kỳ.
Để đảm bảo đời sống dân cư và an sinh xã hội, từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xem xét, ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 3.715/3.855 người lao động, với tổng số tiền hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng. Trong đó, mức hỗ trợ 1.800.000 triệu đồng/người cho 136 người lao động với tổng số tiền 244,8 triệu đồng, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người cho 3.579 người lao động với tổng số tiền gần 3,6 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 04 quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 3.715/3.715 người lao động, với tổng số tiền hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng. Chính phủ phê duyệt hỗ trợ tỉnh Tiền Giang 200.415 người, với trên 3.006 tấn gạo. Đến nay, tỉnh đã nhận được trên 1.490 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia và đã tổ chức cấp phát cho 99.253 người dân, số lượng gạo tỉnh chưa được cấp từ Tổng cục Dự trữ nhà nước so với số lượng đã được Trung ương phê duyệt là gần 1.516 tấn gạo; sẽ cấp cho 101.062 người. Đồng thời, UBND tỉnh xem xét tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ đợt 2 cho 163.262 người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với số lượng gạo gần 2.449 tấn.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong 9 tháng năm 2021 đã vận động được 5,9 tỷ đồng, xây dựng được 35 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng; sửa chữa 51 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Các chính sách bảo trợ xã hội được thực hiện đồng bộ, các đối tượng xã hội đã được tạo điều kiện để tiếp cận tốt các chính sách và các nguồn hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng. Tổng số đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng 72.709 người với tổng kinh phí thực hiện trên 169,4 tỷ đồng./.
Hồng Phượng
TAG: