Tiền Giang hỗ trợ người điều trị nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng
(LĐXH)- Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 7.576 người nghiện ma túy (7.242 nam, 334 nữ), tăng 888 người nghiện so với năm 2020. Riêng tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý, tổ chức cai nghiện cho 480 người.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ cai nghiện ma túy và tạo điều kiện giúp đỡ học viên sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện tại cơ sở và tại cộng đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang phối hợp với các các Sở, ngành liên quan tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tại 05 Điểm tư vấn hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tệ nạn ma túy, nghiện ma túy và vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú.
Thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang
Chỉ tính riêng trong năm 2021, các Sở, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 8.652 cuộc với 259.347 lượt người dự; in trên 23.900 tờ bướm với nội dung tuyên truyền kiến thức về công tác cai nghiện, phòng, chống tái nghiện để hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền trong nhân dân. Tổ chức 07 cuộc tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, có 956 lượt học viên tham dự.
Bên cạnh đó, công tác quản lý học viên và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang đã nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên trong thời gian cai nghiện; giúp học viên an tâm cai nghiện; hỗ trợ học viên tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống khi hoàn thành thời gian cai nghiện. Ngoài ra, công tác quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú được chính quyền cấp xã thường xuyên quan tâm, giám sát, hỗ trợ giới thiệu học nghề, tạo việc làm, góp phần phòng, chống tái nghiện.
Kết quả cụ thể, về công tác cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận cai nghiện ma túy cho 429 người, bao gồm: 378 người cai nghiện bắt buộc, 27 người cai nghiện tự nguyện và 24 người lưu trú ở khu xã hội. Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã hỗ trợ giải quyết cho 621 học viên tái hòa nhập cộng đồng; trong đó, có 534 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc, 42 học viên cai nghiện tự nguyện và 45 người lưu trú ở khu xã hội.
Hiện tại, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang đang quản lý, tổ chức cai nghiện cho 480 người (465 người cai nghiện bắt buộc, 07 người cai nghiện tự nguyện và 08 người lưu trú ở khu xã hội). Năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cơ sở không tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho học viên đang cai nghiện tại Cơ sở. Khi học viên hết thời gian cai nghiện bắt buộc, Cơ sở chỉ tổ chức tư vấn, giúp đỡ cho 621 lượt học viên tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.
Thực hiện kế hoạch điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 04 điểm khám, điều trị nghiện bằng chất thay thế và 02 điểm cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 215 người tham gia điều trị bằng Methadone.
Tiếp đến, để hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, tỉnh Tiền Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 05 điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng đã được thành lập, gồm: xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), thị trấn Tân Hiệp (huyện Châu Thành), phường 5 (thị xã Cai Lậy), thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) và xã An Thái Trung (huyện Cái Bè). Trong năm 2021, các tư vấn viên của 05 điểm tư vấn đã tiếp nhận tư vấn cho 53 đối tượng (trong đó, điểm tư vấn huyện Gò Công Đông 04 đối tượng, huyện Chợ Gạo 26 đối tượng, huyện Châu Thành 08 đối tượng, thị xã Cai Lậy 15 đối tượng). Từ tháng 6/2021 đến nay, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên các điểm tư vấn không tiếp tục tư vấn cho các đối tượng.
Đối với công tác quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú, trong năm 2021, các cấp chính quyền trong tỉnh đã hỗ trợ, quản lý 621 người sau cai nghiện.
Trong năm 2022, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung nâng cao nhận thức, đổi mới biện pháp điều trị nghiện, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện, bao gồm vận động đăng ký điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện, tổ chức tốt công tác tư vấn, giáo dục, dạy nghề. Bên cạnh đó, nghiên cứu các bài thuốc, phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy mới, an toàn, hiệu quả, đặc biệt là điều trị các rối loạn do sử dụng ma túy tổng hợp.
Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường hỗ trợ người sau cai nghiện, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện, hạn chế tái nghiện. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về đổi mới công tác cai nghiện ma túy; huy động sự tham gia của cộng đồng; triển khai các mô hình cai nghiện sát với thực tế...
Chí Tâm
TAG: