Thuốc giả xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng
Thuốc giả đang trở thành vấn nạn nhức nhối khi tràn lan trên mạng xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thuốc thật và thuốc giả đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn này. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao nhận thức cộng đồng, hiểm họa từ thuốc giả sẽ ngày càng lan rộng, gây hậu quả khôn lường.
Theo cơ quan chức năng, một số loại thuốc giả phổ biến trên mạng xã hội gồm thuốc giảm cân, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, hay các loại thuốc trị bệnh phổ biến như xương khớp, viêm mũi, dạ dày, trĩ, tim mạch... Các sản phẩm thuốc giả thường không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng và dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng.
Trên thực tế, qua công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Mới đây nhất, ngày 14/1/2025, Công an TP HCM vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn do vợ chồng Ngô Kim Diệu và Nguyễn Thị Ngọc Hương cầm đầu. Đường dây này hoạt động từ năm 2018, sản xuất các loại thuốc trị bệnh phổ biến như xương khớp, dạ dày, tim mạch, với tổng giá trị ước tính hơn 45 tỷ đồng trong năm 2024.
Các đối tượng sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Kingpharm (địa chỉ: số 6 đường 2B, phường An Lạc, quận Bình Tân) và Công ty TNHH MTV Kiến Lâm (địa chỉ: số 3 đường số 26, Phường 16, Quận 8) làm bình phong để che giấu hoạt động, đồng thời chia nhỏ quy trình sản xuất nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Khám xét các địa điểm liên quan, công an thu giữ hơn 56.000 sản phẩm thuốc giả, 1.600kg nguyên liệu, và nhiều máy móc hiện đại. Đến nay, 22 đối tượng đã bị khởi tố.
Trước đó, ngày 7/1/2025, Công an tỉnh Nam Định đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Vũ (SN 1995, trú ở xóm Nam Giao Cù Thượng, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn Vũ thông qua mạng xã hội đặt mua các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Trung Quốc với giá rẻ và đặt kèm theo vỏ hộp, tem, nhãn thương hiệu thuốc nhỏ mắt của Nhật Bản. Vũ đăng tải các bài viết, quảng cáo các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Nhật Bản trên mạng xã hội. Khi các bị hại tin tưởng nội dung quảng cáo, giới thiệu, đặt mua, Vũ trực tiếp đóng hàng và gửi dịch vụ COD (nhận hàng trả tiền) cho bị hại.
Tương tự, tháng 8/2024, Công an thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với qui mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt tạm giam 7 đối tượng trong đường dây này về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Đứng đầu đường dây là Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1990, trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Tang vật thu giữ gồm hơn 5.800 hộp thuốc kháng sinh giả và nhiều máy móc, nguyên liệu sản xuất. Các đối tượng đã tiêu thụ lượng lớn thuốc giả trên toàn quốc, đặc biệt nhắm vào các dược sĩ kinh doanh tự do.
Trên đây chỉ là ba trong số nhiều vụ việc thuốc giả bán trên thị trường và qua mạng xã hội được lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua. Điều này tạo nên sự lo lắng cho không chỉ các cơ quan quản lý mà cả những người tiêu dùng. Vậy từ đâu mà tình trạng buôn bán thuốc giả xuất hiện nhiều trên mạng xã hội?
Cảnh báo nguy hại từ thuốc giả
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân – Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần Phương Đông, việc sử dụng thuốc giả có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường dùng thuốc hạ đường huyết giả có nguy cơ tăng đường huyết, dẫn đến biến chứng hoặc tử vong.
Thuốc giả không chỉ thiếu hoạt chất như công bố mà còn chứa tạp chất độc hại, gây dị ứng, nhiễm độc, hoặc tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, với các bệnh nặng cần thuốc đặc trị, việc sử dụng thuốc giả có thể khiến "thời điểm vàng" điều trị bị bỏ lỡ, làm bệnh nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Uân khuyến cáo người dân nên khám bệnh và mua thuốc theo chỉ định bác sĩ tại các nhà thuốc uy tín, kiểm tra kỹ hạn sử dụng và thông tin thuốc giả đã được cơ quan quản lý cảnh báo để tránh "tiền mất, tật mang". Thuốc giả không chỉ vô ích mà còn là mối nguy lớn đe dọa tính mạng.
Vì sao thuốc giả khó kiểm soát? Luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty Luật ARC Hà Nội cho biết, tình trạng bán thuốc giả trên mạng diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, sản xuất và buôn bán thuốc giả mang lại lợi nhuận cao nhờ chi phí thấp, trong khi giá bán tương đương thuốc thật. Lợi nhuận lớn khiến nhiều đối tượng bất chấp đạo đức, sẵn sàng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các hành vi buôn bán thuốc giả trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn tinh vi như giao hàng qua bưu điện, giả mạo địa chỉ xuất hàng, hoặc đặt máy chủ ở nước ngoài để tránh bị phát hiện. Ngoài ra, người tiêu dùng thiếu kiến thức phân biệt thuốc thật – giả và dễ bị lôi kéo bởi quảng cáo hấp dẫn, đặc biệt là các chiêu trò giảm giá, ưu đãi trên mạng. Điều này vô tình tiếp tay cho thuốc giả len lỏi vào thị trường, gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. |
Xuân Đoàn