Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Thực hiện xong việc cấp thẻ cho người khuyết tật trước tháng 6/2017
(LĐXH) Phát biểu tại Hội nghị Chuyên đề về công tác BTXH vừa được Bộ Lao động - TBXH tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao kết quả công tác BTXH thời gian qua, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2016, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên môn, cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao cho. Trong quá trình thực hiện đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, lĩnh vực bảo trợ có nhiều chuyển biến, ngày càng phục vụ người dân tốt hơn, hệ thống chính sách ban hành động bộ, công tác quy hoạch được quan tâm, tiếp tục triển khai các đề án, dự án, phát triển hệ thống Trung tâm CTXH cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động; quan tâm đào tạo nhân viên CTXH trong cả nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ so với trước đã được nâng lên, riêng về lĩnh vực xã hội trong 3 năm qua đã đào tạo, góp phần đảm bảo ổn định xã hội, ASXH, công bằng cho người dân.
Tuy nhiên, công tác BTXH vẫn còn những hạn chế cần phải tiếp tục đổi mới như: Hệ thống văn bản pháp luật còn khoảng trống, thiếu, chưa phù hợp. Kết quả triển khai nhiệm vụ ở các địa phương trong cả nước chưa đồng đều, hiện có 20-25% các địa phương làm rất tốt, 50% đạt yêu cầu, 20% còn yếu, các địa phương cần cố gắng cải thiện. Nhiều chính sách đối với đối tượng chưa thực hiện đầy đủ, riêng Nghị định 136 ở một số địa phương, đối tượng thuộc diện thụ hưởng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Do vậy, cần thiết phải có đội ngũ nhân viên CTXH làm cầu nối thực hiện. Về hoạt động của các Trung tâm CTXH cũng còn nhiều khó khó khăn, mới chỉ có 16 Trung tâm hoạt động hiệu, nhiều địa phương chưa thành lập, chuyển đổi được sang mô hình Trung tâm CTXH được.
Công tác đổi mới lĩnh vực TGXH là một chủ trương mà Đảng, Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có đề án. Song các địa phương vẫn làm theo lối mòn chưa có sự đổi mới, cần đổi mới cả hệ thống chính sách, cách làm, chuyển đổi phương thức chi trả. Hiện nay, còn 19 tỉnh, thành phố chưa chuyển sang phương thức chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện và 8 tỉnh không muốn làm, trái ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc từ các chính sách, sự chủ động tham mưu của một số địa phương, Sở, ngành chưa quyết liệt, chưa thật quan tâm tới lĩnh vực và nguồn lực hạn chế.
Cùng theo Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, trong năm 2017, Cục Bảo trợ xã hội cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Thảo luận với các cơ quan, địa phương giúp Bộ xác định mức độ khuyết tật với nhóm tự kỷ, phấn đấu xong trước tháng 6, hoàn thành việc cấp giấy xác định mức độ khuyết tật. Xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 16 về định mức kinh tế kỹ thuật tháo gỡ việc phát triển mạng lưới và đội ngũ nhân viên CTXH, Thông tư hướng dẫn hoạt động của các Trung tâm tâm thần. Bên cạnh đó, cần tập trung sửa Thông tư 01 về quản lý ca, mở rộng cho các đối tượng khác. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề quy hoạch hoạt động đào tạo nghề CTXH, phối hợp với ngành Y tế, giáo dục hoàn thiện Đề án CTXH trong y tế, trường học.
Đối với các địa phương, trong năm 2017, thực hiện xong việc cấp thẻ cho người khuyết tật, trong đó có nhóm trẻ tự kỷ. 23 tỉnh chưa thành lập được Trung tâm CTXH cần phấn đấu thành lập phù hợp với bối cảnh hiện nay; còn 19 tỉnh chưa thực hiện đổi mới cách thức chi trả trợ cấp cần triển khai sớm, đảm bảo cuối năm 2017, 100% các địa phương thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp xã hội cho đối tượng qua bưu điện; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 136; tăng cường vai trò của địa phương trong việc thành lập các hội như Hội Người mù; thiết lập câu lạc bộ của các Trung tâm CTXH để trao đổi, sinh hoạt, truyền tải chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chung.
Hồng Phượng
TAG: