An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Ninh Thuận: Thực hiện đầy đủ quy định về an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động
10:06 AM 14/07/2023
(LĐXH) - Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh Ninh Thuận có 3.965 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số lao động là 31.662 người. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến... Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ngày càng được các cấp ngành, người sử dụng lao động quan tâm. Việc tham gia Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng là một trong những hoạt động được triển khai thực hiện tốt trong thời gian gần đây.

Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn phổ biến chính sách pháp luật lao động, trong đó có lồng ghép nội dung triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/NĐ-CP ngày 28/7/2020, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ và các thông tư có liên quan. Từ năm 2020 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, trong đó có tập huấn chuyên đề hoặc lồng ghép nội dung triển khai chính sách về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) cho 24 lớp với trên 1000 người lao động; phối hợp với các cơ quan truyền thông viết, đưa trên 40 tin, bài với các nội dung tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, trong đó có lồng ghép hoặc chuyên đề triển khai, hướng dẫn thực hiện các chính sách về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người lao động trong thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Cũng theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đối với giải quyết chế độ tai nạn tai nạn lao động, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc:

+ Về thành phần hồ sơ theo quy định không có Biên bản điều tra tai nạn lao động; không có biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ) kèm theo mà chỉ căn cứ Văn bản đề nghị giải quyết của đơn vị để giải quyết, dẫn tới nhiều đơn vị hợp thức hóa hồ sơ, không tổ chức điều tra TNLĐ... Sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu cung cấp thông tin về diễn biến vụ TNLĐ đơn vị mới tiến hành lập lại các thủ tục hồ sơ theo quy định, do đó việc xác định vụ việc có phải TNLĐ rất khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc giải quyết.

+ Trường hợp tai nạn bị trong thời gian tham gia hoạt động phong trào, tham quan, tập văn nghệ, nghỉ mát, tiếp khách… của đơn vị sử dụng lao động, theo Quyết định 166/BHXH thì không được nhận thêm bất cứ thành phần nào, nên khi nhận hồ sơ giải quyết nếu đòi hỏi thêm thì gây khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động, nhưng nếu không yêu cầu bổ sung các loại hồ sơ có liên quan thì khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc xác định và giải quyết chế độ TNLĐ cho người lao động. 

+ Khi cơ quan BHXH tổ chức xác minh hồ sơ TNLĐ để có cơ sở giải quyết, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động có người bị TNLĐ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Luật An Toàn, vệ sinh lao động (không ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra TNLĐ, không có Biên bản công bố kết quả điều tra TNLĐ, không chi trả tiền công tiền lương trong những ngày điều trị do TNLĐ; không thanh toán chi phí điều trị TNLĐ ngoài khoản chi phí do BHYT thanh toán, không thực hiện bồi thường và hỗ trợ người lao động bị TNLĐ…).

Bản thân của người lao động cũng phải tự ý thức quyền lợi, trách nhiệm đảm bảo an toàn trong quá trình lao động

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động không may bị TNLĐ và hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cần bổ sung quy định về trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động có người lao động bị TNLĐ phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động trước khi gửi hồ sơ đề nghị cơ quan giải quyết trợ cấp TNLĐ cho người lao động bị TNLĐ. Đồng thời, bổ sung Biên bản điều tra TNLĐ vào thành phần hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ để cơ quan BHXH thuận lợi trong việc xác định TNLĐ để làm căn cứ và kịp thời giải quyết theo đúng quy định.

Trên thực tế hiện nay, một rào cản lớn trong việc triển khai các chính sách liên quan cho người bị TNLĐ, BNN là có một lượng lớn lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Bộ phận này phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được huấn luyện, trang bị bảo hộ về ATVSLĐ, nguy cơ cao mất an toàn lao động, họ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN nên khi xảy ra tình huống rủi ro, họ không được hưởng chế độ, dẫn đến vòng quay luẩn quẩn những khó khăn tiếp theo… Vì vậy, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện chế độ TNLĐ-BNN, tránh các hành vi vi phạm, lạm dụng nhằm trục lợi Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN vẫn là nhiệm vụ cần được đẩy mạnh./.

Trần Huyền

 

TAG:
Tin khác
 Tiền Giang: Đẩy mạnh hoạt động kết nối việc làm cho người lao động
Nam Định: Đa dạng các phiên giao dịch việc làm cho người lao động
TP.HCM: Tổ chức gần 90 phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người nghèo tìm kiếm việc làm
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
Long An chủ động kết nối doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp