Thị trường - Tiêu dùng
Trang chủ / Kinh tế / Thị trường - Tiêu dùng
Thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng
08:45 PM 05/06/2024
(LĐXH)- Ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng với sự tham gia của các bộ, ngành và đại diện 11 tỉnh, thành phố trong vùng.
Đây là hội nghị thứ 3 trong chuỗi sự kiện được tổ chức sau thành công của các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu trong khu vực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao như gạo, rau củ quả…; Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu – cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…
Quang cảnh Hội nghị.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đây là vùng đi đầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cùng đó, thu hút đầu tư nước ngoài của vùng lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Những nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp của vùng phải kể đến là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh.
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề như kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vai trò đặc biệt quan trọng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.

Một số sản phẩm tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Hồng được giới thiệu tại hội nghị.

Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chưa mạnh, rõ nét.
Cùng với đó, chưa hình thành được những chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do, các vùng sản xuất nông sản tập trung...
Các đại biểu tham gia hội nghị có chung nhận định, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, cần có giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Các địa phương trong vùng cần phát huy tối đa nguồn lực, thực thi hiệu quả chương trình hành động mang tính đột phá. Ngoài ra, cần tính toán, liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng, từ đó xác định mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác giá trị sản phẩm tốt nhất.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, điều chỉnh sản phẩm phù hợp, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; nghiên cứu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh...
Bên lề Hội nghị còn có không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này./.
Thảo Lan
 
TAG: liên kết vùng phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng
Tin khác
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Chiêm tinh tài chính - Lối rẽ từ khác biệt đến thành công của Mr Phú Hưng
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội chợ Làng nghề thành phố Hà Nội lần thứ 20- năm 2024
VSMCamp & CSMOSummit 2024 định hướng xây dựng chiến lược  sales và marketing trong xu hướng phát triển bền vững
Activax triển khai chiến dịch Mở khoản đầu tư Mở rộng yêu thương
Sự kiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường
Chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt”: Nestlé Việt Nam tri ân người nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên
Đột phá công nghệ và giải pháp chất lượng của Intech Group tại triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024