An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thúc đẩy các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn Ninh Thuận
01:57 PM 06/06/2020
Trong 05 năm (2016 – 2020), chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) công tác ATVSLĐ đã được các cấp ngành ở Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc.

Theo số liệu tổng hợp từ khai báo tai nạn lao động của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và kết quả điều tra TNLĐ cấp tỉnh, năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ TNLĐ (giảm 03 vụ so với năm 2018), trong đó có 01 vụ chết người (giảm 01 vụ so với năm 2018). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 30 doanh nghiệp với 1.906 người lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 700 người lao động, không có trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; việc huấn luyện về công tác bảo đảm ATVSLĐ chưa thường xuyên; thiếu biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất và thi công...

Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ chuyên trách về công tác an toàn lao động tại các đơn vị 
(Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, để tạo môi trường sản xuất - kinh doanh an toàn, hiệu quả, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến công tác ATVSLĐ gửi các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về ATVSLĐ; phát hành tài liệu hướng dẫn thực hiện ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Đặc biệt, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức thành công các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, PCCN lần thứ 18 năm 2016 và Tháng hành động ATVSLĐ năm 2017, 2018, 2019. Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia tích cực của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật liên quan đến ATVSLĐ. Công tác thanh kiểm tra về ATVSLĐ cũng được đẩy mạnh trong tháng cao điểm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ.

Theo đó, ngay trong và sau tháng hành động, bên cạnh việc đề nghị các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp cơ sở thực hiện, Ban Chỉ đạo luôn có yêu cầu tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từng năm, có tuyên dương các mô hình, điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ; Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức cho tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ trước và sau thời gian tổ chức Tháng hành động. Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, phòng ngừa TNLĐ, nhất là các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất, xây dựng. Cải thiện điều kiện lao động trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Tăng cường công tác hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ; công tác kiểm tra và tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ, rủi ro về an toàn lao động và có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo an toàn trong sản xuất; thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Các sở, ngành, địa phương phối hợp theo dõi chỉ đạo sâu sát các doanh nghiệp thực hiện những nội dung về ATVSLĐ do Ban chỉ đạo tỉnh đề ra. Cùng với đó, thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc; quan tâm đến việc chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; thực hiện kịp thời, đầy đủ việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp có biện pháp chữa trị kịp thời cho người lao động. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ thông tin, báo cáo đối với công tác triển khai và kết quả tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động cũng như đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ.

Ý thức của người lao động về đảm bảo an toàn trong sản xuất, thi công ngày càng được nâng cao

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, ý thức tự bảo vệ bản thân người lao động, chủ sử dụng lao động trong vấn đề đảm bảo ATVSLĐ, công tác này ở Ninh Thuận từng bước đạt được những kết quả tích cực và khởi sắc. Tiếp nối kết quả đó, năm 2020, UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch về việc triển khai Tháng hành động, an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hoạt động này nhằm thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp và thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế…

Ninh Thuận vẫn đang nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, có các giải pháp phòng ngừa TNLÐ trong điều kiện môi trường tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn cao. Địa phương cũng chú trọng công tác tập huấn về ATVSLÐ, nhất là trong các khu vực không có quan hệ lao động, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường xuyên đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, có nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ để hạn chế thấp nhất TNLĐ, BNN góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh./.

Trần Huyền

 

 

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững