Thúc đẩy bình đẳng giới và giải pháp nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
(LĐXH)-Trong nhiều năm qua, bằng hành động cụ thể Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo và phát triển vùng DTTS. Tuy nhiên, phụ nữ DTTS hiện vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Báo cáo chuyên đề về phát triển kinh tế xã hội của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam: Phụ nữ DTTS thường có xu hướng lao động sớm, hoạt động sinh kế của phụ nữ DTTS phụ thuộc nhiều vào đất đai, song phụ nữ DTTS vùng sâu, vùng xa lại rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng tới nguồn tài nguyên đất và vốn. Họ có rất ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống. Trong mối quan hệ gia đình, nam giới vẫn đóng vai trò chủ đạo. Nữ giới thường là chủ hộ trong các hộ thiếu vắng nam giới. Bên cạnh đó, những định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và ra các quyết định liên quan đến sinh kế. Do rào cản về tri thức, phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phụ nữ DTTS ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Vì vậy, thời gian qua đã có nhiều chính sách, chương trình ưu tiên hướng đến nhóm đối tượng này trong quá trình thụ hưởng chính sách, tiêu biểu như Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi... Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình này là lồng ghép giới, hướng đến xóa bỏ bất bình đẳng giới giữa các nhóm dân tộc.
Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh tại thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Với mục tiêu giúp phụ nữ DTTS phát huy thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống qua đó nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển, vươn lên thoát nghèo, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tiếp đó, cũng cần tập trung vào một số các giải pháp, cụ thể là:
- Triển khai, thực hiện tốt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
- Các cơ quan chức năng cần phân tích các chính sách hiện hành; đề xuất sửa đổi những bất cập của chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng DTTS nói chung, chính sách đối với phụ nữ DTTS nói riêng qua đó rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc miền núi với vùng đồng bằng, giữa các cộng đồng dân tộc và giữa đàn ông và phụ nữ DTTS.
- Nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn; tích cực vận động các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ mô hình phụ nữ DTTS khởi nghiệp cải thiện sinh kế, việc làm và thu nhập.
- Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS.
- Xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ DTTS sau khi học nghề được chuyển đổi việc làm, cải thiện việc làm; hỗ trợ nữ thanh niên DTTS mới tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tìm việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
- Tiếp tục tác động mạnh mẽ để thay đổi nhận thức và hành động của xã hội đối với phụ nữ DTTS; Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ DTTS vào quá trình thay đổi cuộc sống. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền giúp phụ nữ DTTS phát huy nội lực và tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, ngày công, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng./.
Lê Minh.
TAG: