An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thừa Thiên Huế: Thực hiện tốt chính sách đối với người cao tuổi
07:21 PM 14/12/2023
(LĐXH)-Tính đến tháng 6/2023, dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.216.143 người, trong đó người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) là 183.127 người, chiếm 15,1% tổng dân số toàn tỉnh (trong đó, có nhiều địa phương có tỷ lệ người cao tuổi rất cao như tại huyện Quảng Điền, người cao tuổi chiếm tỷ lệ 18%, huyện Phong Điền 17,5%, huyện Phú Lộc 16,1%, thành phố Huế 15,4%...).
Thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế các cấp huyện, xã thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi lồng ghép với các hoạt động truyền thông tư vấn, đảm bảo người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 01 lần/năm. Cụ thể, tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ của người cao tuổi đã tăng dần qua các năm, năm 2017 là 49,2%; năm 2018 là 60,7%; năm 2019 là 71,0%; năm 2020 là 81,5%; năm 2021 là 82,5%; năm 2022 là 85,8%; dự ước năm 2023 là 86,5%.
Người cao tuổi Thừa Thiên Huế luôn được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở, bệnh viện tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, đảm bảo cung ứng các dịch vụ có chất lượng cho người cao tuổi. Chủ động phối hợp với Hội Người cao tuổi cơ sở thường xuyên thống kê nắm số lượng người cao tuổi, vận động người cao tuổi đến khám sức khỏe tại các cơ sở y tế để phát hiện và quản lý bệnh tật kịp thời. Có 11 khoa của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện/thị xã có số giường bệnh trên 50 giường, tổ chức Lão khoa với 150 giường điều trị nội trú, ưu tiên cho người cao tuổi; lồng ghép trong khoa Nội khi chưa đủ điều kiện tách thành lập Lão khoa với tỷ lệ giường bệnh thích hợp (bình quân 20% số giường của khoa). Tại các Phòng khám của bệnh viện đều có tổ chức phòng khám dành cho người cao tuổi, có cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ làm các dịch vụ y tế và được ưu tiên thực hiện trước các đối tượng khác.
Tại cộng đồng, các trạm y tế xã/phường/thị trấn đều tổ chức quản lý, cập nhật danh sách và lập sổ theo dõi người cao tuổi về các nội dung năm sinh, nơi ở, mức sống, tình trạng lệ thuộc sinh hoạt, vấn đề sức khỏe của từng đối tượng; trong từng thôn/tổ dân phố quản lý được người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính cần khám định kỳ, người cao tuổi ở khu dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao, người cao tuổi vừa đi chữa bệnh từ các bệnh viện về. Đến tháng 10/2021, đã có 94.615 người cao tuổi được truyền thông tư vấn về chăm sóc sức khỏe; có 94.311 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, chiếm 57,6% tổng số người cao tuổi toàn tỉnh; 100% người cao tuổi được ưu tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19. 
Thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tại các xã, phường, thị trấn đã triển khai tổ chức 131 hội nghị cung cấp thông tin với 5.267 người tham dự; 04 lớp tập huấn với 144 người tham dự; 351 buổi sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi tại 141 xã, phường, thị trấn với 8.308 người tham dự; 100 buổi nói chuyện chuyên đề lồng ghép khám sức khỏe với 3.337 người tham dự.
Chăm sóc Người cao tuổi trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, tỉnh dã tạo điều kiện cho Người cao tuổi thành lập và tham gia các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí dành cho Người cao tuổi; tiến hành kiểm tra, quán lý chặt chẽ việc giảm giá vé cho Người cao tuổi tham quan di tích lịch sử, bảo tàng và các khu vui chơi giải trí trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 Câu lạc bộ thể dục thể thao dành cho người cao tuổi thu hút gần 2.000 vận động viên Người cao tuổi tham gia tập luyện. Đặc biệt như Câu lạc bộ Nghênh Lương Đình, Câu lạc bộ Bóng bàn Lão tướng ở Trung tâm Thể dục và Thể thao thành phố Huế đã duy trì được 30 năm nay, đã thu hút Người cao tuổi tham gia sinh hoạt thường xuyên. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6 hằng năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dành cho người cao tuổi được tổ chức sôi nổi, qua đó nâng cao sức khỏe, chống lại bệnh tật, góp phần đem lại đời sống “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” cho Người cao tuổi tỉnh nhà. Hằng năm, nhân dịp ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10), UBND thành phố Huế tổ chức Hội thao NCT thường niên với 6 môn thi đấu: Cờ tướng, đi bộ tập thể, bóng bàn, cầu lông, đi xe đạp chậm, thể dục dưỡng sinh thu hút trên 1.000 vận động viên tham gia tạo bầu không khí sôi nổi, hào hứng, là cơ hội để Người cao tuổi thi đấu, gặp gỡ, giao lưu. Tại các huyện, thị xã trong hoạt động, đại hội thể dục thể thao của xã/phường đều huy động hàng trăm lực lượng vận động viên cao tuổi tham gia đồng diễn Thái Cực quyền.
Thừa Thiên Huế cũng tích cực hỗ trợ người cao tuổi tham gia giao thông. Hiện nay, tỉnh có 71% tỷ lệ bến xe, bến thuyền và hầu hết các cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đều có lối dành riêng cho người cao tuổi, người khuyết tật tiếp cận, 74% xe buýt đạt tiêu chuẩn để người cao tuổi, người khuyết tật dể dàng tiếp cận; 100% xe buýt công cộng thực hiện miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật. Thực hiện dự án sẽ hỗ trợ lắp đặt hệ thống thông báo hành trình tích hợp ấm thanh và màn hình hiển thị cho 20 xe buýt và hoàn thành cải tạo 5 nhà chờ xe buýt đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật tiếp cận cho người cao tuổi, người khuyết tật. Số lượt người cao tuổi, người khuyết tật được giảm giá vé khi tham gia giao thông đường bộ (xe buýt) là 13.798 lượt.
Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 35.663 người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo quy định của pháp luật. Công tác chúc thọ và mừng thọ, tặng quà Chủ tịch tỉnh cho Người cao tuổi thọ 90 tuổi; chúc thọ, mừng thọ và quà Chủ tịch nước cho Người cao tuổi thọ 100 tuổi được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đến thăm, chúc thọ, mừng thọ tại gia đình các cụ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã thực hiện tốt việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi thọ 70, 75, 80, 85, 95 trên 100 tuổi trở lên vào dịp ngày người cao tuổi Việt Nam 6/6, tháng hành động vì Người cao tuổi...  Hội người cao tuổi các cấp, đặc biệt Hội người cao tuổi cấp cơ sở cũng thường xuyên tổ chức thăm viếng ốm đau, mừng thọ, hiếu hỷ chu đáo tạo sự phấn khởi cho người cao tuổi. Vào các dịp Tết nguyên đán, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ quà tết cho người cao tuổi đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo Luật người cao tuổi. Trong Tháng hành động vì người cao tuổi hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức thăm, tặng quà cho người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đau ốm dài ngày.
Tại Thừa Thiên Huế, người cao tuổi cũng được tạo điều kiện phát huy vai trò trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, truyền nghề, các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân…Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu, tích cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội ở cơ sở, chỗ dựa tinh thần của cấp ủy, chính quyền, nòng cốt trong thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. UBND cũng đã ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 28/11/2020  nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn nhằm phát huy có hiệu quả mô hình Câu lạc bộ, duy trì và tiếp tục nhân rộng Câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi. Tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh có 41 CLB LTTTGN (thành phố Huế: 19; huyện Quảng Điền: 03; huyện Phú Lộc: 08; Thị xã Hương Trà: 05; Huyện Phong Điền: 04 ; Huyện Nam Đông :1; Huyện Phú Vang: 01.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác người cao tuổi của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp lồng ghép tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Đội ngũ cán bộ Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, cán bộ Hội người cao tuổi các cấp, đội ngũ cán bộ công tác xã hội, gia đình và cộng đồng tham gia tích cực chăm lo, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi. Hệ thống chính sách liên quan đến người cao tuổi được kiện toàn, khá đầy đủ về trợ giúp xã hội, y tế, nhà ở, trợ cấp pháp lý và quan tâm đến đời sống văn hóa, thể dục thể thao. Chính vì vậy, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi trong tỉnh cũng từng bước được nâng lên./.

Mỹ Hằng
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Thái Nguyên không ngừng nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải phân công rõ người, rõ việc
Câu lạc bộ Nhà báo Xứ Nghệ tại TPHCM: Trao tặng 400 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó
Nam Trực tích cực thu nhận ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính
Trường Cao đẳng Quảng Nam trao tặng Quỹ hoạt động cho Chi hội cựu Giáo chức nhà trường
 Đoàn đại biểu người có công Kiên Giang thăm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội