Thừa Thiên Huế: Tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực cho trẻ em gái
(LĐXH) – Sáng ngày 12/7 tại Thừa Thiên Huế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới cho trẻ em gái đang sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh trong kỷ nguyên số”
Lớp tập huấn có sự tham gia của người đứng đầu và gần 100 trẻ em gái trong độ tuổi từ 11 đến 18 đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên phụ trách lĩnh vực trẻ em Phòng Bảo trợ xã hội…
Các em được hướng dẫn các kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, bạo lực giới trên môi trường mạng; kỹ năng phòng tránh bạo lực giới trên môi trường mạng; kỹ năng ứng phó với bạo lực giới trên mạng xã hội.
Theo TS. Trương Thị Yến, Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế: Bạo lực giới trên không gian mạng ngày càng phổ biến và thường nhằm vào một nhóm (thường là phụ nữ và trẻ em gái) do sự phân biệt giới và sự mất cân bằng quyền lực. Bằng các tình huống giả định, tham gia trò chơi, chia nhóm và thảo luận… các em được hướng dẫn nhận biết và phòng tránh, ứng phó với bạo lực giới trên không gian mạng cũng như nắm vững những kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, nhận thức được nguy cơ bạo lực giới trên môi trường mạng, những điều không nên khi sử dụng mạng xã hội… Qua đó, giúp các trẻ em gái được cảm thấy an toàn trong cộng đồng của mình
Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Đổi mới Quản trị quốc tế (CIGI), trong hơn 18.000 người trên toàn cầu, gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Gần 25% trong số họ bị nhắm đến vì bản dạng giới của mình.
Trong số những người được hỏi đã trải qua bạo lực trên không gian mạng và là người chuyển giới hoặc đa dạng giới, có 30% báo cáo những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm cả mong muốn sống.
Trong khi đó, gần 30% phụ nữ báo cáo gặp những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. 23% cảm thấy không còn có thể tham gia trực tuyến tự do sau khi trải qua bạo lực giới trên không gian mạng.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 736 triệu phụ nữ (gần 1/3) đã bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi bạn tình, bạo lực tình dục không phải do bạn tình hoặc cả hai, ít nhất một lần trong đời.
Đặc biệt, phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số, LGBTQ+, người khuyết tật và các cộng đồng bị thiệt thòi khác có nhiều nguy cơ bị xâm hại hình ảnh trên mạng với mục đích hạ thấp, kiểm soát và cuối cùng là dẫn đến sự im lặng.
Do đó, giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng là một lĩnh vực ngày càng được quan tâm nhiều hơn và không còn có thể thương lượng được nữa. Đảm bảo rằng mọi người có thể tự do tham gia trực tuyến mà không lo sợ bạo lực và xâm hại là điều rất quan trọng.
Hà Giang