Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thừa Thiên Huế: Phát triển mô hình kinh tế cho phụ nữ nghèo
10:37 AM 12/05/2016

(LĐXH) - Vốn tính chịu thương chịu khó, nhiều chị em thuộc hội viên HLHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời xây dựng hội ngày càng vững mạnh

Khắc phục khó khăn


Không chỉ là một điển hình trong phát triển kinh tế, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tặng bằng khen về phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, chị Hồ Thị Lan ở thôn Chính An, xã Phong Chương (Phong Điền) còn là Chi hội trưởng phụ nữ tận tụy, luôn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chị kể, với mô hình chăn nuôi cỏn con theo kiểu truyền thống, nhiều năm qua, gia đình chị chỉ đủ sống “giật gấu vá vai”. Vợ chồng còn trẻ mà rơi vào cảnh nghèo khó khiến chị day dứt. Sau nhiều đêm trăn trở, chị bàn với chồng đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại. Để có bước “bứt phá”, chị Lan tìm sách báo nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do hội các cấp phối hợp tổ chức... Sau khi nắm một số “vốn” kha khá về kỹ thuật, chị tìm đến Hội LHPN xã vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây dựng chuồng trại, mua thêm con giống. Sự cẩn trọng, chăm chỉ đã mang lại “quả ngọt” cho gia đình chị. Mô hình chăn nuôi ngày càng phát triển với 500 con vịt đẻ, 1.000 con vịt thịt, hàng chục con heo, một lò ấp trứng, mỗi năm lãi hơn 200 triệu đồng. Có điều kiện, chị đã giúp nhiều phụ nữ khó khăn trong xã bằng hình thức cho nợ con giống đến ngày xuất chuồng và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả. Nhiều hộ dân gặp rủi ro do dịch bệnh đã được chị Lan xóa nợ.

 

Trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), chị Hoàng Thị Hoa luôn tâm niệm, nói được thì phải làm được mới “truyền lửa” cho chị em khác. Năm 2011, chồng bị bệnh rồi qua đời, gia đình chị gặp nhiều khó khăn, được xã đưa vào diện cận nghèo để hỗ trợ. Không ỷ lại chị Hoa xoay xở mọi cách phát triển kinh tế gia đình. Bằng những đồng tiền kiếm được từ nghề thợ “đụng”, chị tiết kiệm chi tiêu mua heo về chăn nuôi. Thấy chị Hoa vất vả, Hội LHPN xã đã làm cầu nối giúp chị vào Khu du lịch sinh thái Laguna, lấy thức ăn dư thừa về chăn nuôi. Có thực phẩm chăn nuôi, chị vay vốn đầu tư mua thêm con giống. Lấy ngắn nuôi dài, đàn heo gia đình chị từ vài con nay đã lên 150 con heo thịt và nhiều heo nái. Từ hộ cận nghèo, sau 4 năm hộ chị Hoa đã vươn lên thành hộ có thu nhập 120 triệu đồng/năm. Năm 2014, tại cuộc họp bình xét hộ nghèo của thôn, chị Hoa tự tin đứng lên xin rút ra khỏi hộ cận nghèo.

 

Chị Lan, chị Hoa là 2 trong rất nhiều hội viên phụ nữ thấm nhuần lời dạy của Bác, vượt mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, được Hội LHPN các cấp tuyên dương, khen thưởng.

 

Sửa đổi cách tiếp cận


Thực hiện sửa đổi lề lối làm việc theo hướng sâu sát cơ sở, sâu sát hội viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của hội viên cũng là một trong những việc học Bác, để lại được dấu ấn riêng của nhiều tổ chức Hội LHPN. Chị Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trước đây, trong mỗi lần về cơ sở để kiểm tra tình hình hoạt động, cán bộ hội cấp tỉnh chỉ thực hiện các nội dung kiểm tra xem chi hội đó hoạt động như thế nào, điều hành, quản lý số sách, giấy tờ, nguồn vốn của hội ra sao, các chương trình dự án có được triển khai, thực hiện đúng hay không….chưa có sự lồng ghép, kết hợp để tuyên truyền phổ biến các chương trình trọng tâm của hội. Từ khi thực hiện cải tiến lề lối làm việc hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác đến nay, mỗi lần cán bộ cấp tỉnh, huyện về cơ sở, đều lồng ghép triển khai một chuyên đề trọng tâm của hội như: xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, hay 4 phẩm chất của phụ nữ: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…Theo chị Lan, do trình độ và kỹ năng của một số cán bộ cơ sở có phần hạn chế, đôi khi các nội dung truyền đạt tới hội viên chưa được trọn vẹn, nên các hội viên chưa nhận ra được ý nghĩa của phong trào để thực hiện. Sự lồng ghép này của cán bộ hội không những để các hội viên hiểu đúng, hiểu đủ nội dung các phong trào thi đua, tích cực hướng ứng tham gia mà còn thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ và hội viên. Ngoài ra, Hội phụ nữ các cấp còn khắc phục tình trạng hành chính hóa trong công việc, giảm bớt công văn giấy tờ, tiết kiệm thời gian cũng như chi phí.

 

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh xây dựng được gần 20 loại mô hình tiết kiệm làm theo lời Bác, thu được gần 70 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi; phát triển 14 mô hình kinh tế cho phụ nữ nghèo làm chủ hộ; xây dựng 170 “Mái ấm tình thương” với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

 

PV

TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương