Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động
(LĐXH) - Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ từng bước được nâng cao, điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Số vụ tai nạn lao động không tăng
Hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đang được mở rộng và phát triển. Cùng với đó, nhiều công trình xây dựng cầu đường, các khu đô thị, nhà máy, toà nhà cao tầng dân dụng được thi công và hoạt động khai khoáng, dịch vụ vệ sinh môi trường, vận tải... ra đời, thu hút lực lượng lao động ngày càng đông. Nguy cơ tiềm ẩn TNLĐ ngày càng lớn.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ TNLĐ nào và số vụ, số người bị TNLĐ trong năm 2020 không tăng, không giảm so cùng kỳ năm trước với 5 vụ TNLĐ làm chết 5 người, bị thương 1 người và 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lao động làm chết 2 người. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do các công trình vi phạm quy trình an toàn trong thi công xây dựng, vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ như: Xây dựng kế hoạch tổng hợp về ATVSLĐ trong thi công xây dựng nhưng không cụ thể, đầy đủ nội dung theo quy định, không lập biện pháp thi công hoặc có lập nhưng chưa cụ thể, đầy đủ, không cử người giám sát công tác ATVSLĐ, không huấn luyện, không trang bị hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ của các cấp, ngành chưa chặt chẽ, công tác phối hợp thiếu chuyên nghiệp, thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giảm thiểu TNLĐ trong quá trình sản xuất là hết sức cần thiết, không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, mà còn tiết kiệm được chi phí nhờ hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường...
Thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã quan tâm, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí, bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy cho công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân theo từng vị trí làm việc cho người lao động.
Đa phần các doanh nghiệp đều thành lập bộ phận y tế để chăm sóc sức khỏe người lao động; sơ cứu, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn, ốm đau đột xuất, kiểm tra việc chấp hành các quy định vệ sinh, môi trường lao động, phòng chống dịch bệnh. Nhất là trong thời gian diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch tễ tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh, tạo sự yên tâm cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Các thiết bị thường được sử dụng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cao gây TNLĐ, gồm: cần trục tháp; máy vận thăng nâng hàng, nâng người; sàn treo nâng người; bình chứa khí nén, nồi hơi đốt điện, hệ thống lạnh… Với những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, có nguy cơ cháy nổ này đều được doanh nghiệp thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng cũng như hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng, phổ biến việc sử dụng cho người sử dụng lao động, người lao động.
Đặt mục tiêu an toàn lao động lên cao hơn
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 có chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên" được phát động nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.
Năm 2021, mục tiêu Thừa Thiên Huế đặt ra là giảm 5% tần suất TNLĐ, đặc biệt là các vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người và trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, như: xây dựng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, vận hành lưới điện... Tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu trên 95% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ ở cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố và trong Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ; trên 80% số người làm công tác ATVSLĐ, bộ phận y tế, an toàn vệ sinh viên trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ. Phấn đấu có 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả cải thiện điều kiện lao động và hệ thống quản lý ATVSLĐ. Đảm bảo 100% vụ tai nạn lao động xảy ra được điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai hoạt động khảo sát và hỗ trợ doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp xây dựng và áp dụng hiệu quả hệ thống ATVSLĐ. Qua đó, xây dựng được môi trường ATVSLĐ, giảm thiểu tối đa các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.
Sở cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, làm các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tập huấn về công tác xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp; đồng thời phát hành phiếu tự kiểm tra pháp luật ATVSLĐ để doanh nghiệp tự kiểm tra, báo cáo và các tờ rơi, áp phích, sổ tay cho các chủ sử dụng lao động và người lao động.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ sẽ được đẩy mạnh nhằm trang bị kiến thức, quy định của pháp luật, rèn luyện các kỹ năng, giúp người sử dụng lao động chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và người lao động biết nhận diện những yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động, biết cách thực hành các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ.
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: