Báo cáo với tân Chủ tịch Làng trẻ em SOS Việt Nam, ông Đỗ Tiến Dũng thông tin về chặng đường 30 năm qua, từ 02 dự án ban đầu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay toàn quốc có gần 70 dự án tại 17 tỉnh/thành phố và trở thành quốc gia đứng thứ ba trong 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động của Làng trẻ em SOS. Qua 30 năm, các làng trẻ em đã trực tiếp nuôi dưỡng 5.969 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi. Trong số này, có 2.861 cháu trưởng thành, hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, 806 cháu đã lập gia đình riêng. Chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng đã hỗ trợ tài chính cho các gia đình nuôi trẻ mồ côi để phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục được sống cùng với người thân, tiếp tục học tập, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bỏ nhà lao động sớm, tránh được nguy cơ rơi vào tệ nạn xã hội. Trong năm 2018, Làng trẻ em SOS Việt Nam dự kiến sẽ có hướng tăng thêm các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ tài chính cho các gia đình có cơ hội mở rộng sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Đây là buổi làm việc đầu tiên của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà với Làng trẻ em SOS Việt Nam
Phát biểu trước tập thể cán bộ, người lao động ở Làng trẻ em SOS, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những kết quả, thành tích của Làng trẻ em đã đạt được trong hơn 30 năm qua, đóng góp tích cực để thực hiện quyền trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam. Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017, Luật quy định rõ bốn quyền của trẻ em, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động của Làng trẻ em SOS về chăm sóc thay thế khi trẻ bị bỏ rơi. Nhà nước và các cộng đồng, tổ chức đoàn thể có trách nhiệm chăm sóc nhằm đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha, mẹ đẻ, vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Đến thời điểm này, cả nước còn hơn 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế với mục đích sẽ có nhiều hơn nữa các cháu có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc theo mô hình gia đình thay thế. Qua các con số thể hiện ở báo cáo, Làng trẻ SOS Việt Nam rất xứng đáng với sự ghi nhận bởi các huân chương lao động hạng ba, nhì, nhất, bằng khen của Nhà nước và các cơ quan, địa phương. Điều này thể hiện sự nỗ lực đóng góp của các đồng chí lãnh đạo Làng, các cán bộ, tập thể giáo viên, những người yêu trẻ tham gia đóng góp trong 30 năm qua.
Giám đốc Quốc gia làng trẻ gửi tặng đồng chí Thứ trưởng kỷ yếu dịp 30 năm phát triển của Làng trẻ em SOS Việt Nam, dịp này Làng trẻ đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước
“Có thể thấy, trong 30 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã rất quan tâm, ủng hộ hoạt động của Làng trẻ em SOS tại Việt Nam, từ khi đổi mới đến nay. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Làng trẻ em SOS quốc tế và các nhà tài trợ cũng đã ủng hộ, đóng góp rất nhiều nguồn lực cả về vật chất, kỹ thuật và ý tưởng về việc xây dựng Làng. Các đồng chí đã làm được rất nhiều để đón nhận được tình cảm đặc biệt, sự ưu ái của các nhà tài trợ, các đồng chí Lãnh đạo với Làng. Bản thân tôi cũng đến Làng nhiều lần và cảm nhận được tình cảm rất tốt, sự gắn bó, tình cảm, công sức, trí tuệ của các đồng chí đóng góp cho hoạt động của Làng”, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.
Để hoạt động của Làng trẻ em SOS Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Ban Giám đốc, cán bộ, người lao động, các bà mẹ, bà dì, giảng viên cần triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, năm 2016, Đại hội đồng Làng trẻ em SOS quốc tế đã thông qua Chiến lược hoạt động đến năm 2030. Đây là căn cứ quan trọng để Làng trẻ em SOS Việt Nam cần có kế hoạch, chương trình phù hợp với tình hình chung của tổ chức cũng như sự phát triển của Việt Nam, đồng thời tiếp cận với xu hướng của quốc tế. Trong đó một điểm quan trọng là phấn đấu để trở thành tổ chức tự chủ về tài chính, điều này cũng khác với trước đây. Làng cũng cần nỗ lực hơn trong việc thu hút nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cùng với đó, Làng cần rà soát các quy chế, nội dung hoạt động của Làng để điều chỉnh, đặc biệt phù hợp với quy định mới của Luật trẻ em năm 2016. Nếu có quy định nào chưa phù hợp của Làng thì cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật, đưa Luật vào thực hiện trong cuộc sống. Đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát các quy chế, quy định của Làng để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định hiện nay, tạo thuận lợi cho hoạt động của các Làng, cũng là bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền trẻ em đã quy định trong Luật trẻ em năm 2016.
Thứ hai, cần quan tâm, cập nhật thường xuyên các chính sách, pháp luật có liên quan về các lĩnh vực trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và quản lý viện trợ ODA để triển khai đầy đủ trong hệ thống của Làng. Đặc biệt, trong các hội nghị, tập huấn, cần cập nhật đầy đủ các quy định, văn bản hướng dẫn đến Giám đốc cả 17 Làng và Văn phòng Làng làm đầu mối. Luật trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành trong năm 2017 vừa qua với nhiều nội dung quy định bảo đảm các quyền của trẻ em, đồng thời cũng thúc đẩy việc chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Một số chính sách bảo trợ xã hội của Việt Nam và định mức hỗ trợ của một số địa phương đã cao hơn so với quy định của Làng trẻ em SOS quốc tế. Bộ đã đề nghị các địa phương quan tâm, bảo đảm sự hỗ trợ phù hợp cho hoạt động của Làng trẻ em SOS.
Thứ ba, đối với các đề xuất về nhân sự, Giám đốc Quốc gia Làng trẻ có thể làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ để tham mưu, đề xuất những quy định, tiêu chuẩn, chính sách về bảo đảm chế độ đối với các bà mẹ, bà dì, cán bộ, nhân viên làm việc trong hệ thống Làng, tạo động lực cho anh em, cán bộ. Đồng thời, đội ngũ lãnh đạo cũng như lớp cán bộ đi trước cần nỗ lực dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ cán bộ trẻ, để các anh em có điều kiện phát huy thế mạnh của mình, nỗ lực phấn đấu không ngừng phát huy truyền thống của Làng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong việc chăm sóc, hỗ trợ các trẻ em trong Làng, thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý để sẵn sàng trở thành các thế hệ lãnh đạo hoạt động của Làng trong tương lai.
Thứ tư, Làng trẻ em SOS Việt Nam cần tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hiệu quả với Làng trẻ em SOS quốc tế và các nhà tài trợ - những người có tấm lòng, trái tim dành cho trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam. Một số mô hình, cách làm hiệu quả của Làng, Văn phòng quốc gia nghiên cứu ở các địa phương, từ đó chia sẻ với các địa phương. Trên cơ sở mô hình đó, tham mưu với các cơ quan quản lý Nhà nước để nhân rộng và làm cơ sở xây dựng chính sách về trẻ em trong thời gian tới.
Đăng Doanh