Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: Hà Nội tạo sức lan tỏa trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
(LĐXH)- Đây là ý kiến đánh giá, ghi nhận của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội được tổ chức ngày 19/1/2022.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc; đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở và Phòng Lao động - TBXH các quận, huyện, thị xã...
Dù trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song nhìn lại kết quả các mặt công tác năm 2021, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã khắc phục khó khăn, triển khai toàn diện và tích cực các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự hướng dẫn kịp thời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiều chỉ tiêu về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của năm 2021 thành phố đã sớm triển khai và hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, Nghị quyết số 116/NQ-CP đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, được đông đảo nhân dân và các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.
Về công tác lao động, việc làm, trong năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 179.648/160.000 lao động, đạt 112,2% kế hoạch. Trong 179.648 lượt lao động được tạo việc làm mới trong năm, thì có 52.400 lao động được xét duyệt vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn với số tiền là 2.310 tỷ đồng; giải quyết việc làm qua hệ thống sàn giao dịch việc làm 14.666 lao động; đưa 1.433/3500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; tự tạo việc làm và qua báo cáo kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố là 111.149 lao động.
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, năm 2021, Sở và các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và giải quyết 20.723 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí thực hiện trên 101 tỷ đồng. Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 84.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.860 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 40 tỷ; chi trả trợ cấp một lần 106 tỷ.
Tiếp đến, công tác giảm nghèo bền vững được các quận, huyện, thị xã thực hiện hiệu quả với nhiều giải pháp và đạt kết quả tốt; người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,04; có 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố giai đoạn 2016 – 2020, về đích trước 2 năm. Tính theo chuẩn nghèo mới của thành phố giai đoạn 2022 – 2025, Hà Nội hiện có 12/30 quận, huyện không có hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,17%...
Tiếp tục quan tâm chăm lo các đối tượng yếu thế
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô đạt được trong năm 2021. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự phối hợp nhịp nhàng của các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp ở Thủ đô; sự tham mưu kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của người dân trong những thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid-19.
“Điều đáng mừng là về phương pháp, cách làm của thành phố Hà Nội có rất nhiều điểm đổi mới và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh trong từng giai đoạn, nhất là công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt, công tác tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất bài bản, khoa học, toàn diện, có sự khác biệt, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội và người dân” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đánh giá.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, những kết quả đạt được trong một năm đầy khó khăn và thách thức, nhưng thành phố Hà Nội đã thực hiện khá toàn diện các mặt công tác. Từ chăm lo đời sống người có công, các mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; chăm sóc và bảo vệ trẻ em, chăm lo cho sự phát triển của các đối tượng yếu thế… Trong đó, một số công việc đột suất, cấp bách như thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và chính sách đặc thù của thành phố cũng được Hà Nội rà soát rất kỹ, đảm bảo không bỏ sót đối tượng và thực hiện chi trả kịp thời…
Bước sang năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn thành phố Hà Nội và Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô tiếp tục thực hiện tốt các sách ưu đãi người có công với cách mạng và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; dự báo cung cầu thị trường lao động, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề; tiếp tục quan tâm chăm lo cho các đối tượng yếu thế và các đối tượng đặc thù, đặc biệt...
Cùng với việc biểu dương những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đã đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể để Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô triển khai thực hiện trong năm 2022. Trong đó, Ngành cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đi đôi với thực hiện tốt giải pháp đảm bảo an sinh. Tiếp tục đưa Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân” vào đời sống bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp.
“Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người có công, các đối tượng yếu thế và chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, thống nhất, huy động sự chung tay của toàn xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, cần tập trung chuẩn bị tốt việc đón Tết cổ truyền dân tộc trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cần tập trung thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà người có công và đối tượng xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 đảm bảo không có người nào là không có Tết…” - Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng, chỉ đạo.
Chí Tâm
TAG: