Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp và làm việc với Nghiệp đoàn Success Group (Nhật Bản)
(LĐXH)- Ngày 13/3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan có buổi tiếp và làm việc với đại diện Nghiệp đoàn Success Group INC của Nhật Bản về việc tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Được biết, trung bình mỗi năm, Nghiệp đoàn Success Group tiếp nhận khoảng 80 lao động, thực tập sinh của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản với các ngành nghề chủ yếu như: đúc, hàn, công nghiệp.
Tại Việt Nam, đối tác của Nghiệp đoàn Success là Công ty nhân lực Quốc tế Việt (Vilaco). Đây là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động luôn đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động...
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, cho biết: Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực và thực chất trên các lĩnh vực. Trong kết quả chung đó, lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản cũng là một điểm sáng trong những năm qua.
“Cách đây một tuần, tôi có dự hội nghị cấp cao Việt Nam – Nhật bản về hợp tác kinh tế trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, thông tin.
Hiện Việt Nam có khoảng 370 nghìn người lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Riêng năm 2022, có khoảng 68.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, trong đó riêng trong mảng hộ lý sang khoảng trên 2.000 người.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trao đổi: Tôi được biết, Nghiệp đoàn Success Group có một chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực trực tiếp với người lao động, không qua các khâu trung gian và đơn vị môi giới, mà trực tiếp tuyển lao động có nhu cầu muốn sang Nhật Bản làm việc. Với cách làm của Nghiệp đoàn và các đối tác tại Việt Nam, đề án mà 2 bên đang triển khai sẽ đạt kết quả tốt tại tỉnh Ibaraki. Phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Nghiệp đoàn cũng như các đơn vị đối tác đưa được nhiều lao động của Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Theo chia sẻ từ phía Ngiệp đoàn: Hiện nay, dân số Nhật Bản ngày càng già đi, rất cần sự hỗ trợ nhân lực từ trong và ngoài nước. Trong đó, đối với ngành hộ lý thì đặc thù là rất cần sự chăm chỉ, cùng với tinh thần và sự cầu tiến. Chính vì vậy, phía Nghiệp đoàn rất muốn triển khai được kế hoạch đưa số lượng lớn các bạn thực tập sinh Việt Nam đến với tỉnh Ibaraki thực tập ở ngành hộ lý.
Hiện nay, riêng đặc thù của ngành hộ lý là tiếng Nhật phải đạt độ 4 trước khi xuất cảnh, cũng như phải được đào tạo chuyên môn tối thiểu 160 tín chỉ. Chi phí đó rất lớn và người lao động đang phải giành 1 phần... Nghiệp đoàn Success đang đề xuất yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền phòng và chi phí đào tạo bên ngạch hộ lý; cùng với đó, Nghiệp đoàn cũng sẽ làm việc với thị trưởng các tỉnh để có những nguồn ngân sách riêng, hỗ trợ đặc biệt cho các bạn thực tập sinh đến với Nhật Bản.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trao đổi: Bước sang 2023, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đang có những khó khăn trong công tác tuyển chọn. Do đó, Việt Nam đang có những giải pháp tập chung vào công tác rà soát, thúc đẩy nâng cao chất lượng, giảm chi phí đào tạo.
“Do đặc thù của ngành hộ lý phải đảm bảo tay nghề kỹ năng chăm sóc cho người cao tuổi, cùng với trình độ tiếng nhật bậc 4. Phía Việt Nam còn nhiều khó khăn, rất mong Nghiệp đoàn và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có những phối hợp chặt trẽ, chia sẻ những chi phí có thể được. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và để chương trình diễn ra thành công, rất cần sự chung tay góp sức của phía tỉnh Ibaraki nói riêng và các doanh nghiệp đầu tư về cơ sở vật chất, các khóa đào tạo ngoại ngữ, cùng tham gia kiểm định đánh giá” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, đề nghị.
Chí Tâm
TAG:
Group