An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Ngành điện cần chủ động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
10:33 AM 23/03/2022
(LĐXH)- “Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất và người lao động, quan tâm vấn đề việc làm, tiền lương, nhu cầu tối thiểu và mức sống tối thiểu, ngành điện cần chủ động hơn trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động...” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh.
Ngày 22/3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về tình hình việc làm, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ năm 2022. Cùng đi có lãnh đạo và một số phòng chuyên môn của Cục An toàn Lao động.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; lãnh đạo các ban và một số Công ty thuộc Tổng Công ty.
ATVSLĐ là nhiệm vụ chủ chốt
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết: Đơn vị hiện đang thực hiện chức năng quản lý, vận hành lưới điện phân phối và kinh doanh trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố ở miền Bắc Việt Nam ((không kể thành phố Hà Nội). Tổng Công ty có địa bàn quản lý, kinh doanh chiếm 43,85% diện tích cả nước, bao quát số dân 46,58 triệu người. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn Tổng công ty quản lý số huyện có điện đạt 100%, số xã có điện đạt 100% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,8%.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những nỗ lực của Công ty Điện lực miền Bắc
Tổng số lao động của toàn Tổng Công ty (không bao gồm các công ty con Tổng Công ty nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, công ty liên kết) đến thời điểm 31/12/2021 là 26.365 người. Trong đó, lao động làm nghề có công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm là 14.024 người (lao động nữ có 848 người).
“Điều kiện làm việc của người lao động khá đặc thù, có nguy cơ rủi ro về tính mạng và đòi hỏi tính nghiêm ngặt về an toàn. Chính vì vậy, Tổng Công ty luôn xác định công tác ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ chủ chốt” - Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thiện, trao đổi.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thiện thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị
Báo cáo về công tác ATVSLĐ, ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng Công ty, thong tin: Năm 2021, đơn vị triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Chính sách khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh của các địa phương ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tâm lý người lao động khi thực hiện công việc bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Theo ông Mai Quang Hùng, mặc dù khó khăn là vậy, song với sự quan tâm chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, các đơn vị cùng sự quyết tâm, nỗ lực của người lao động, năm 2021, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã hoàn thành tốt công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thăm Trung tâm kiểm soát ATVSLĐ
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Tổng Công ty đã huấn luyện theo Thông tư 05 và các Quy trình an toàn điện của Tập đoàn Điện lực với 22.346 lượt người; cấp thẻ an toàn điện cho 22.346 lượt người và cấp thẻ an toàn lao động theo quy định của Nghị định 44 cho 22.789 lượt người… Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, dự kiến Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sẽ tổ chức và phát động hưởng ứng tại tỉnh Ninh Bình.
Ngành điện lan tỏa mọi nơi
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao vai trò của ngành điện trong công tác tạo việc làm cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, ngành điện lan tỏa mọi nơi, có vai trò lớn với phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Phạm vi và đối tượng quản lý của ngành rất lớn. Điều này cho thấy sự cố gắng của toàn ngành cũng như của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thăm Công ty Công nghệ thông tin 
“Qua kết quả thực tế triển khai, công tác đảm bảo ATVSLĐ của người lao động đã được Tổng Công ty chú trọng, từ đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phần mềm điều hành tới từng cơ sở, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Điều này cho thấy những nỗ lực của Tổng Công ty trong thời gian qua, nhất là lĩnh vực ATVSLĐ. Trong đó, sự phối kết hợp hiệu quả giữa Cục An toàn Lao động và Tổng Công ty đã giúp người lao động có sự đảm bảo an toàn trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh” Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ghi nhận.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Sau giãn cách, nền kinh tế được dự báo sẽ có sự phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ra đời của các khu công nghiệp, tạo áp lực lớn với toàn ngành điện. Điều này đòi hỏi Tổng Công ty cần đầu tư lớn hơn cho cơ sở vật chất và người lao động, quan tâm vấn đề việc làm, tiền lương, nhu cầu tối thiểu và mức sống tối thiểu. Đồng thời, cần chủ động hơn trong công tác đảm bảo ATVSLĐ theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Lê văn Thanh lưu ý, giai đoạn 2022 - 2023, Chính phủ đặt mục tiêu chuyển đổi số là trọng tâm trong quá trình thích ứng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, Tổng Công ty cần tận dụng thành quả chuyển đổi số, qua đó giảm bớt lực lượng lao động thủ công, kiểm soát công tác vận hành, an toàn vệ sinh lao động và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng thông tin về công tác ATVSLĐ
“Năm 2023 - 2024, Chính phủ sẽ xây dựng lộ trình sửa đổi nhiều Luật như Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm. Bộ lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan được ủy quyền xây dựng dự thảo các dự án luật này. Là đơn vị đang quản lý hàng chục ngàn lao động, những góp ý của Tổng Công ty về chính sách bảo hiểm xã hội, tuyển dụng, việc làm sẽ rất được cơ quan quản lý lắng nghe và tiếp thu” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết.
Liên quan tới Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết: Bộ lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động tại Hà Nội với những nội dung thiết thực và phù hợp tình hình phòng chống dịch Covid-19.
Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác đã tới thăm các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc như: Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc, Công ty Công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng, cho biết: Lao động tại đơn vị hầu như làm việc theo ca (trực 24/7), tỷ lệ lao động nữ chiếm 60%, hàng tháng số công nghỉ bình quân tương ứng khoảng 8 người với các lý do con ốm, thai sản, nghỉ không lương do hoàn cảnh gia đình. Do đó, các hoạt động tập thể, công tác tổ chức huấn luyện, công tác huy động nhân lực tăng cường vào thời điểm nắng nóng mưa bão cũng có những khó khăn… Quá trình làm việc sau các kỳ khám sức khoẻ định kỳ hàng năm, tỷ lệ mắc bệnh theo thống kê kết qủa năm 2021, gồm bệnh liên quan về mắt (trên 50% cán bộ, nhân viên), bệnh về họng (trên 40% cán bộ, nhân viên), các bệnh về tai, tiền đình và cột sống đã xuất hiện ở một số người, dẫn đến phải phân, bố trí công việc khác phù hợp...
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thăm Tổng đài chăm sóc khách hàng
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, chia sẻ: Qua báo cáo của Trung tâm Chăm sóc khách hàng có thể thấy nhiều đặc thù công việc của cán bộ, nhân viên cho thấy liên quan nhiều tới công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp với người lao động là không nhỏ. Chính vì vậy, Trung tâm cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường kết hợp thế mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, Công ty Công nghệ thông tin cần đi đầu trong chủ trương chuyển đổi số trong điều hành, quản lý dữ liệu, hỗ trợ hoạt động...

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương