An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT: Chủ trương đúng vì quyền lợi người dân
06:09 PM 11/04/2017
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thông tuyến trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Do đó, phải quyết tâm thực hiện, thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân.
Thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi người dân.
Thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi người dân.

Hướng tới BHYT toàn dân

Báo cáo giải trình tại Phiên họp toàn thể Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội lần thứ 5 (phiên giải trình về việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong KCB BHYT) mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2015, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT), trong đó có quy định về thông tuyến trong KCB BHYT theo lộ trình.

Thông tuyến là cách gọi đơn giản, dễ hiểu về các quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản  4, Khoản 5, Khoản 6, Điều 22, Luật BHYT. Theo các quy định này, người tham gia BHYT có thể đến KCB ngoài nơi đăng ký KCB ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) mà không cần giấy giới thiệu chuyển viện. Sau 2 năm triển khai thực hiện thông tuyến trong KCB, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ 76,2% dân số cả nước; năm 2016 đạt tỷ lệ bao phủ 81,7% dân số cả nước. “Điều này cho thấy các quy định của Luật BHYT thực sự đi vào cuộc sống và những giải pháp trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân là khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo BHXH Việt Nam, số lượt KCB BHYT qua 2 năm thực hiện lần lượt: năm 2015, có 130 triệu lượt với tần suất KCB trung bình là 1,85 lần/người/năm; năm 2016, có 148 triệu lượt người với tần suất KCB trung bình là 1,89 lần/người/năm. “Tần suất KCB này phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ KCB của người dân. Chỉ số này tương đối ổn định trong nhiều năm qua (trung bình 1 người đi KCB 2 lần trong 1 năm). Điều này cho thấy việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt KCB chung”, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định..

Về thu chi Quỹ BHYT, trong nhiều năm, từ năm 2009 đến năm 2015, Quỹ BHYT luôn kết dư. Riêng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng). Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và chỉ một phần là do thông tuyến. Mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, Quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. Như vậy, Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT trong ngắn hạn.

Vì quyền lợi người dân

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thông tuyến trong KCB BHYT là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Vì lần đầu thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Tuy nhiên, quyết phải thực hiện. “Thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành phải tăng cường tính trách nhiệm để làm sao việc chi trả chi phí KCB BHYT từ tiền của người dân và từ Quỹ BHYT hiệu quả, tiết kiệm nhất. Đơn cử như việc thực hiện quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc. Nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, quỹ BHYT, góp phần giảm bội chi quỹ BHYT.

Để giám sát được công tác KCB cần phải thực hiện tốt việc tin học hóa trong tất cả các bệnh viện. Để công tác KCB cho người dân tại tuyến xã, phường được triển khai tốt cần phải chú trọng lấy y tế cơ sở, y tế dự phòng làm gốc, tập trung nâng cao năng lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng. “Hiện, ta đang quản lý 23.000 loại thuốc, 17.000 loại dịch vụ y tế. Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ của tin học hóa trong việc quản lý thì việc triển khai thực hiện chính sách sẽ khó có hiệu quả”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2016, đã tiến hành thực hiện việc kết nối dữ liệu KCB giữa cơ sở y tế với cơ quan BHXH và tiến hành giám định điện tử. Tuy nhiên, hiện trong 12.000 cơ sở y tế mới chỉ có 30% cơ sở y tế thực hiện cập nhật dữ liệu theo ngày; 30% cơ sở y tế cập nhật chậm (khi người bệnh đã xuất viện…); còn 40% cơ sở y tế chưa thực hiện việc liên thông kết nối dữ liệu KCB. “Nơi nào không thực hiện kết nối, cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin giám định BHYT là nơi đó có biểu hiện không tốt. Chúng ta phải kiên quyết thực hiện chủ trương này, nếu chưa cập nhật được theo ngày, thì cũng phải cố gắng cập nhật được dữ liệu trước khi người bệnh xuất viện”, bà Minh nói.

Thông tuyến trong KCB BHYT là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Vì lần đầu thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Tuy nhiên, quyết phải thực hiện. Thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Theo tienphong.vn

TAG:
Tin khác
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết