Theo ông Nguyễn Phước Hữu (người dân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm), gia đình ông không có đất sản xuất nên trước kia luôn thuộc diện hộ nghèo. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề theo mô hình đan đát, thủ công mỹ nghệ, đời sống đã khá hơn trước và gia đình thoát nghèo cuối năm 2022. Giống như ông Hữu, gia đình ông Lê Văn Bảy, ở xã Long Bình, Thị xã Ngã Năm gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh khi chỉ làm thuê sống qua ngày. Trước đây, ông Bảy từng biết đến nghề đan rổ, thúng bằng tre nhưng chỉ làm đơn giản, không nhiều mẫu mã nên đầu ra ít. Thế nhưng từ khi tham gia lớp dạy nghề đan lát thủ công mỹ nghệ ( đan lục bình), ông Bảy có đơn đặt hàng làm thường xuyên, với mức thu nhập ổn định hơn 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chính quyền địa phương thường xuyên kết nối với Công ty TNHH MTV TCMN Ngọc Hương để giải quyết việc làm tại hộ gia đình cho lao động sau học nghề đan lát TCMN, ông Bảy chia sẻ.
Hay như chị Lê Thanh Ngọc (ở xã Tân Long) sau một tháng học lớp nghề nuôi trồng thuỷ sản, hộ gia đình chị Ngọc đã có thêm nguồn thu nhập ổn định. Chị Ngọc chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm nông thuần tuý, việc nuôi trồng cũng chỉ làm theo phương thức kinh nghiệm chứ không được học bài bản nên việc nuôi trồng năm được năm mất, thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi chính quyền hỗ trợ học nghề đã giúp chúng tôi học nghề Nuôi trồng thủy sản bài bản và áp dụng ngay tại địa phương mình. Sau khi học nghề, tôi đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng ao hồ để nuôi tôm, cá và hiện nay mỗi năm thu nhập của gia đình tôi đạt trên 120 triệu đồng/1 năm sau khi trừ đi các khoản chi phí.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Mô hình dạy nghề đan lát giúp lao động tại thị xã Ngã Năm có việc làm bền vững, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống
Ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết, địa phương đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, trong đó đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2023, toàn thị xã giải quyết việc làm cho 3.810 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,02%, trong đó 57,22% đã được cấp bằng, chứng chỉ. Đến hết năm, có 413 hộ thoát nghèo, 488 hộ thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% (giảm từ 3,4% còn 1,4%); hộ Khmer nghèo giảm 4,58%. Riêng năm 2024, địa phương đã giải quyết việc làm cho trên 3000 lao động và đào tạo nghề cho trên 850 lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cũng đã chủ động phối hợp các xã, phường khảo sát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của lực lượng lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và thị trường lao động. Đồng thời, chú trọng liên kết với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động. Tính từ đầu năm đến nay, thị xã Ngã Năm phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX của thị xã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề với 800 người tham gia; trong đó có 8 lớp nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt 100% kế hoạch đề ra. Các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thị trấn để đồng bào thuận tiện theo học với các ngành nghề như: đan lát thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi thú y; nuôi trồng thuỷ sản, may công nghiệp… Với những giải pháp thiết thực.
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm Nguyễn Văn Vũ, mô hình đào tạo nghề ngắn hạn (3 tháng) đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo ở địa phương hiệu quả.
Đào tạo nghề gắn với việc làm là giải pháp đột phá giúp thị xã Ngã Năm đạt mục tiêu kế hoạch giải quyết việc làm tại địa phương
Ông Nguyễn Văn Vũ cho biết năm 2023, Trung tâm chủ động đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo tiến độ và gắn với giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao.Trung tâm đã tổ chức đào tạo 32 lớp đan đát, thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp... thu hút 857 học viên tham gia, đạt 101,3% so với kế hoạch. Trên 92% lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường khai giảng 10 lớp với trên trên 1000 học viên (01 lớp Đan đát TCMN với 25 học viên, 01 lớp Chăn nuôi thú y với 20 học viên, 04 lớp Nuôi trồng thủy sản với 72 học viên), đạt 19,87% Kế hoạch đề ra. Đồng thời, phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng, phòng Lao động thương binh và xã hội thị xã, Uỷ ban nhân dân các xã,phường tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2024.
Còn theo bà Huỳnh Thị Miễn, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Quới) cho biết: Ấp có trên 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan thủ công mỹ nghệ (đan lục bình), mỗi hộ có từ 1 đến 3 nhân khẩu tham gia, với thu nhập trung bình một người từ 80.000-150.000 đồng/ngày. Nghề thủ công mỹ nghệ này đã gắn bó với nhân dân nơi đây hơn 5 năm qua. Những năm COVID-19 diễn ra phức tạp, do nhận hàng về nhà đan nên người dân nơi đây vẫn có thể làm nghề, đời sống khá ổn định. Người dân trong ấp phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ tham gia mô hình này vì đời sống khá giả hơn trước.
Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm cho biết năm 2023, thị xã từng bước vượt qua những khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2024, thị xã đã giải quyết việc làm mới cho 3.000 lao động, đào tạo nghề cho 850 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn thị xã đạt 66,6%...
Để đạt mục tiêu trên, thị xã tiếp tục tăng cường đào tạo nghề thông qua điều tra, rà soát, thống kê nhu cầu học nghề, sử dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; triển khai đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng lao động, định hướng phát triển các ngành nghề trong tương lai.
Địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nghề công lập, tư nhân và đẩy mạnh thu hút các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ công nghiệp tham gia cùng với sơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm với các công ty, doanh nghiệp có uy tín trong việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo nghề, giải việc làm cho lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lãnh đạo thị xã Ngã Năm chia sẻ.
Hữu Bắc