Thành phố Uông Bí: Huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình trong chăm sóc trẻ tự kỷ
(LĐXH)-Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, biểu hiện ra bên ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Trẻ em mắc tự kỷ thường sống thu mình, ngại tiếp xúc, nếu không can thiệp, điều trị đúng cách và kịp thời có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Tại TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), trẻ tự kỷ đang được hỗ trợ tích cực với sự vào cuộc của gia đình và xã hội.
Can thiệp, rèn cho trẻ tự kỷ kỹ năng học, giao tiếp xã hội, vận động, tự chăm sóc, chơi, giảm bớt các hành vi bất thường
Tại lớp chăm sóc trẻ tự kỷ tại Trung tâm công tác xã hội Măng non, phường Quang Trung, TP Uông Bí, mặc dù sĩ số học sinh chỉ bằng ½ lớp học mầm non bình thường nhưng hoạt động giảng dạy, chăm sóc trẻ diễn ra không hề dễ dàng. Do trẻ mắc hội chứng tự kỷ nên khả năng nghe, hiểu ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ bản thân kém, một số trẻ rối loạn giác quan, không kiểm soát được hành vi. Những hoạt động đơn giản như ăn, ngủ, học, chơi ở lứa tuổi mầm non lại là thử thách với các em. Trên cơ sở áp dụng các phương pháp giáo dục AAC (giao tiếp đa phương tiện) và ABA (phân tích hành vi ứng dụng), điều hòa giác quan cho trẻ, âm ngữ trị liệu, giáo dục sớm… giáo viên xây dựng các nội dung rèn luyện chung, đồng thời tùy theo tình trạng của từng trẻ để áp dụng hình thức can thiệp riêng. Mục đích là rèn cho các em những kỹ năng học, giao tiếp xã hội, vận động, tự chăm sóc, chơi, giảm bớt các hành vi bất thường. Cô giáo Phạm Thị Khánh Linh, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Măng non cho biết: “Trong mỗi buổi học, các giáo viên sẽ triển khai dạy giờ cá nhân, hình thức 1 cô - 1 trò. Hoạt động chăm sóc, can thiệp được tiến hành với sự thấu hiểu, tôn trọng khác biệt của các em để cùng trẻ vượt qua khó khăn. Nếu được phát hiện sớm, can thiệp đúng cách, các em sẽ có cơ hội tiến bộ rất cao, có thể đi học, tự phục vụ bản thân và hòa nhập cuộc sống”.
Trẻ tự kỷ cần được chăm sóc, trợ giúp của gia đình, cộng đồng
Theo các nghiên cứu khoa học, tự kỷ không phải là một căn bệnh nan y hay hiện tượng rối nhiễu tâm lý không chữa được. “Cơ hội vàng” để phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ là giai đoạn từ 1,5 đến 3 tuổi. Đối với trẻ tự kỷ mức độ nhẹ, nếu được can thiệp sớm, cùng các hoạt động giáo dục hòa nhập, trẻ có thể phát triển được khả năng giao tiếp và có kỹ năng học tập gần như trẻ bình thường. Với những trẻ tự kỷ nặng, các biện pháp can thiệp sẽ giúp trẻ ổn định tâm lý, không có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Trên thực tế, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ tại TP Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung còn gặp nhiều khó khăn bởi rào cản kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến sự khác biệt về thần kinh. Mặt khác chi phí can thiệp, trị liệu lâu dài đối với trẻ tự kỷ có thể là gánh nặng đối với nhiều gia đình.
Để nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ, hàng năm TP Uông Bí có các hoạt động lồng ghép tuyên truyền trong cộng đồng. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã sớm đưa vào hoạt động Đơn nguyên Tâm Bệnh chuyên khám, chẩn đoán, điều trị trẻ tự kỷ. Mỗi tháng, các y bác sỹ tại đây trị liệu cho khoảng 30 - 40 bệnh nhi tự kỷ. Ngoài bố trí các bác sỹ, chuyên viên tâm lý, điều dưỡng chuyên môn, thiết bị phục vụ công tác điều trị, can thiệp, khoa cũng phối hợp với các chuyên khoa khác trong việc chẩn đoán, điều trị các mặt bệnh thần kinh, tâm thần và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ.
Tại các gia đình có trẻ mắc tự kỷ, cha mẹ, người thân luôn đồng hành cùng trẻ. Cha mẹ chủ động tiếp cận các phương pháp khoa học, phối hợp với cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc chuyên biệt để tìm ra cách chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ phù hợp nhất.
Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ tự kỷ có xu hướng tăng. Vì thế, việc phát huy hiệu quả của các cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc chuyên biệt, phối hợp cùng gia đình, xã hội là cách tốt nhất giúp trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố có cơ hội được hòa nhập cuộc sống, đón nhận một tương lai tốt đẹp hơn, qua đó cũng giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Hồng Hoàn
TAG: