Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều mô hình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng
02:51 PM 10/10/2019
(LĐXH) - Thời gian qua, bên cạnh việc kiểm soát, ngăn ngừa phát sinh tệ nạn mại dâm, thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều mô hình giảm hại và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có trên 3.200 người hoạt động mại dâm và gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, số người hành nghề mại dâm trên thực tế cao hơn rất nhiều, những người hoạt động mại dâm có khuynh hướng khép kín, tinh vi (thông qua Internet), tổ chức người đeo bám lực lượng chức năng để nắm tình hình đối phó. Họ điều động gái mại dâm bên ngoài và thỏa thuận khi bị bắt không khai báo về người tổ chức, môi giới, giá mua bán dâm... Đặc biệt xuất hiện các đường dây tổ chức bán dâm có sự tham gia của người mẫu, diễn viên, sinh viên… tại khách sạn cho các thương gia, giới làm ăn có nhiều tiền. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy khiến cho tình hình xã hội trở nên phức tạp hơn.

Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ, giảm hại cho gái bán dâm

Trước tình hình này, thành phố Hồ Chính Minh đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống tệ nạn mại dâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp. Tăng cường kiểm tra, xử lý các tụ điểm, khu vực, tuyến đường và cơ sở kinh doanh dịch vụ có hoạt động mại dâm; đồng thời gắn với các biện pháp xử lý hành chính để răn đe giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả nhằm hạn chế đến mực thấp nhất tình hình phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Bên cạnh công tác phòng, chống mua bán dâm, Sở LĐTBXH đã xây dựng các mô hình hỗ trợ, can thiệp giảm hại và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người bán dâm, như: Mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”; mô hình “Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ” và mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.

Qua hơn 2 năm triển khai, Sở LĐTBXH đã tổ chức 5 đợt khảo sát với 3.500 người; 9 lớp tập huấn, 24 buổi truyền thông về pháp lý và 20 buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu; 36 trường hợp hỗ trợ học nghề, vay vốn với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.

Một trong những dự án được Sở LĐTBXH phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng kiến hỗ trợ cộng đồng (SCDI) đang thực hiện khá hiệu quả là mô hình hỗ trợ can thiệp giảm tác hại đối với nữ lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1). Sau 2 năm thực hiện, các nhóm tự lực hỗ trợ người bán dâm trong mô hình đã tiếp cận những đối tượng nữ lao động tại các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn để truyền thông thay đổi hành vi tình dục không an toàn; khám sức khỏe định kỳ, cung cấp các kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý và xã hội có liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các mô hình cũng còn một số khó khăn do các chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm người bán dâm còn đang trong giai đoạn thí điểm, do đó triển khai chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn lực nên số người được tiếp cận dịch vụ chưa nhiều. Người bán dâm dễ bị tổn thương và có nguy cơ không an toàn về tính mạng, sức khỏe, bị bạo lực. Mặc dù hành vi của họ là vi phạm pháp luật nhưng để đảm bảo cho sự bình đẳng thì có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ đảm bảo các quyền lợi, lợi ích chính đáng của họ bị xâm phạm. Do đó cũng cần có những chính sách của nhà nước để hỗ trợ người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ xã hội giúp họ ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững./.
Nguyễn Hiền

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện