An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh đạt và vượt các chỉ tiêu về thực hiện các chính sách an sinh xã hội
06:21 PM 09/01/2024
(LĐXH)-Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, năm 2023, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện các chỉ tiêu về lĩnh vực ngành đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành 70/70 chỉ tiêu, nhiệm vụ, đạt 100% kế hoạch năm (vượt 35/70 nhiệm vụ - tỉ lệ vượt 50%). Trong đó có 19/19 nội dung chương trình, kế hoạch trình UBND thành phố (đạt 100% kế hoạch năm), 23/23 nội dung chương trình công tác của Sở (đạt 100% kế hoạch năm), 28/28 chỉ tiêu ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM và đồng chí Lê Văn Thinh, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố trao quà tặng đến các gia đình chính sách tiêu biểu
Về lĩnh vực lao động – việc làm, năm 2023, trước tình trạng thiếu đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng đông lao động phải cắt giảm lao động, Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung thực hiện và đề ra các giải pháp để hỗ trợ cho người lao động bị giảm việc làm, mất việc làm nhằm ổn định cuộc sống và hỗ trợ giới thiệu việc làm, chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc nhằm hạn chế việc đình công, lãn công, ngừng việc tập thể đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa; chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng Đề án “Chiến lược về lao động việc làm giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn đến 2030".
Trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho 315.797 lượt người (đạt 105,3% kế hoạch năm) (trong đó: số chỗ việc làm mới là 141.476 lao động (đạt 101% kế hoạch năm); kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% (đạt 3,9%). Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện là 118.685 người lao động được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận (đạt 101,4% kế hoạch năm) nâng tổng số lao động đã qua đào tạo tương đương 4.446.006/5.094.285 người, đạt tỉ lệ 87,27%/86,45% (vượt 0,82% kế hoạch năm).
Triển khai Đề án chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố gắn với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đến các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em, người nghèo trong việc thực hiện cấp số định danh cá nhân để cập nhật thông tin đối tượng vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm xác lập theo quy định.
Đặc biệt, năm 2023, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 9/1/2020 của HĐND thành phố về chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời , Thành phố đã thực hiện giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công cho Chương trình giảm nghèo bền vững để cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với số tiền 2.796 tỷ đồng. Với các chính sách và giải pháp chăm lo đã thực hiện, thành phố đã giảm 31.006 hộ nghèo (tỷ lệ kéo giảm 1,22% số hộ dân), giảm 22.168 hộ cận nghèo (tỷ lệ kéo giảm 0,87% số hộ dân).
Kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023, Thành phố còn lại 8.410 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,33% tổng hộ dân) và 14.498 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,57%/tổng hộ dân). Có 06/22 quận, huyện đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu, đó là: quận Bình Tân, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10 và quận 11.
Như vậy, Thành phố đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trước thời hạn 2 năm về chương trình giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Thành phố cũng thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, đảm bảo phường, xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc gia đình chính sách có công; 100% hộ gia đình chính sách có công đang hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống bình quân của khu dân cư nơi cư trú, cơ bản không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo người có công theo tiêu chuẩn của Thành phố. Đồng thời thành phố đã ban hành nhiều chính sách để nâng cao chế độ cho người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động, trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, các đối tượng bảo trợ xã hội và các chính sách an sinh xã hội khác liên quan.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, bước sang năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2024, cụ thể như sau:
Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đào tạo nhân lực trình độ cao gắn với các trường trọng điểm của Thành phố nhằm hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn.
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội và đề án Chiến lược lao động - việc làm, trong đó tập trung các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối thông tin cung - cầu lao động để giải quyết việc làm cho người lao động và giải quyết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm.
Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và thân nhân; tiếp tục quan tâm tham mưu nâng cao chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm,... nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em, qua đó thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em.
 Tăng cường lãnh đạo về công tác bình đẳng giới; nâng cao vị thế phụ nữ; thực hiện đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới. Tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ đối với người theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng của Tổ công tác cai nghiện ma túy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập trên địa bàn Thành phố.
Tập trung thực hiện công tác thanh tra theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu đơn vị.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến 2030; đề ra các giải pháp nâng cao Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở (DDCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tăng cường đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025./.
Mỹ Hạnh
 
 
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa