An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thành phố Cần Thơ còn 1.032 hộ nghèo
09:05 AM 16/11/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ, tính đến thời điểm trung tuần tháng 11/2021, toàn thành phố giảm còn 1.032 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,29% so với tổng số hộ dân; phấn đấu đến cuối năm 2021 giảm 0,04% hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,25%.
Qua đánh giá, để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2021, các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhân rộng mô hình sinh kế/giảm nghèo hiệu quả…
Cụ thể, thực hiện Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, thành phố Cần Thơ giải ngân cho 12.438 hộ vay số tiền 396,405 tỷ đồng; trong đó, có 38 hộ nghèo, 718 hộ cận nghèo và 2.611 hộ mới thoát nghèo vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ và mua bán nhỏ đạt 99,6% kế hoạch.
Hỗ trợ nhân rộng 27 mô hình giảm nghèo, có 140 hộ nghèo tham gia với kinh phí 2,119 tỷ đồng để giúp các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện mức sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình trồng na Thái được nhân rộng tại huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo

Đối với chính sách hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản, thành phố đã cấp 2.380 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người đang sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn; tổng kinh phí 1,915 tỷ đồng, đạt 100% đối tượng cần hỗ trợ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 28.849 người cận nghèo số tiền gần 23 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí học tập cho 795 học sinh, sinh viên nghèo, số tiền 242 triệu đồng.
Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, Cần Thơ đã hỗ trợ xây dựng 552 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, kinh phí 27,6 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, quận, huyện và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể (đạt 110,4 % kế hoạch năm).
Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 190 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, đạt 100% đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ; tổ chức 04 cuộc tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Tiếp đến, Cần Thơ cũng đã trợ cấp Tết Nguyên đán năm 2021 cho 1.036 hộ nghèo, mỗi hộ 900.000 đồng/hộ, số tiền 932,4 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Hỗ trợ 560.200kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3.056 người thuộc hộ nghèo và 34.624 người thuộc hộ cận nghèo khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (15kg gạo/người).
Ngoài ra, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể các cấp còn vận động nguồn lực ngoài cộng đồng hỗ trợ Tết Nguyên đán cho hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí gần 50 tỷ đồng…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ, thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến số hộ nghèo năm 2022 của thành phố là 24.643 hộ, chiếm tỷ lệ 6,75 % so với hộ dân, bao gồm: 1.032 hộ nghèo, 9.014 hộ cận nghèo và 14.597 hộ mới thoát nghèo. Đây là những khó khăn thách thức rất lớn cho giai đoạn đầu khi thực hiện việc chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2022.
Do vậy, để triển khai thực hiện chính sách trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo được đồng bộ có hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ đã phối hợp các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố ban hành những cơ chế chính sách phù hợp với tình hình mới; tìm ra nhiều giải pháp, biện pháp chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; huy động tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng tham gia hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú nhằm ổn định cuộc sống thoát nghèo bền vững.
Mục tiêu cụ thể trong năm 2022, Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm giảm 1,3% tỷ lệ hộ nghèo, tương ứng 4.746 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,45% so với hộ dân. Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, khích lệ và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo, không để tái nghèo; phân loại nhóm theo thứ tự ưu tiên có chính sách hỗ trợ tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi hộ nghèo, hộ không có khả năng thoát nghèo.
Cùng với đó, cung cấp tín dụng ưu đãi cho 21.742 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn; trong đó có 4.065 lượt hộ nghèo được vay 93,433 tỷ đồng, 6.864 lượt hộ cận nghèo vay 207,052 tỷ đồng, 10.813 lượt hộ mới thoát nghèo vay gần 1.040 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện mức sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Kế hoạch trong năm 2022, thành phố cũng sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế 156.136 cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người đang sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn (bao gồm các trường hợp đã được cấp thẻ diện khác như: chính sách người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi).
Đồng thời, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ giáo dục cho khoảng 1.870 học sinh, sinh viên nghèo như: hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, kinh phí 628 triệu đồng.
Xây dựng 500 căn nhà đại đoàn kết từ nguồn vận động xã hội hóa của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể. Tổ chức thực hiện tuyên truyền, tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% hộ nghèo có nhu cầu trên địa bàn thành phố theo chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Trợ cấp tiền điện hàng quý cho 13.159 hộ nghèo về thu nhập và hộ chính sách xã hội số tiền 8,052 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố cho 62 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ, kinh phí thực hiện 3,12 tỷ đồng. Thực hiện chính sách đặc thù của thành phố trợ cấp Tết Nguyên đán năm 2022 cho 24.643 hộ nghèo (dự kến) số tiền 22,178 tỷ đồng. Tiến hành lồng ghép đề án dạy nghề cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được học nghề gắn với tạo việc làm.
Tiếp tục nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững: các quận, huyện và tổ chức đoàn thể tiếp tục duy trì nhân rộng các mô hình sinh kế/giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn; dự kiến sẽ có 48 mô hình được thực hiện với kinh phí 4,445 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi 3,043 tỷ đồng và vận động cộng đồng 1,402 tỷ đồng…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công