An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thanh Hóa: Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022
04:31 PM 06/05/2022
Sáng 5-5, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND TP Sầm Sơn đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022. Dự lễ phát động có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh; các thành viên Hội đồng ATVSLĐ tỉnh; lãnh đạo TP Sầm Sơn, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và gần 300 người lao động đại diện cho hơn 38.000 công nhân, người lao động trên địa bàn TP Sầm Sơn.
Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, khẳng định đây là dịp để toàn tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị; sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành, người sử dụng lao động cần tập trung triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật ATVSLĐ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ban, ngành.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ phát biểu tại buổi lễ phát động
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình và biện pháp ATVSLĐ.
Thực hiện nghiêm các quy định về huấn luyện ATVSLĐ cả ở khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chế độ về bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác có liên quan; tổ chức các hoạt động huấn luyện, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở.
Đối với người lao động, vì sức khỏe của bản thân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; chủ động và tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp, tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, từ chối làm việc khi thấy rõ các nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động có thể xảy ra.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần đề cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức Quốc tế tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ theo dõi công tác ATVSLĐ các cấp và huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, người lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn lao động ở các doanh nghiệp. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, hướng tới mục tiêu bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.
Trong năm qua, công tác ATVSLĐ được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 210/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 27/01/2022 triển khai, thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. 
Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, trong năm 2021 đã in, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền 93.000 ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, các nguy cơ xảy ra TNLĐ và biện pháp phòng, chống; thông tin về mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, Luật An toàn, vệ sinh lao động; các biện pháp an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy; 24.000 cuốn thông tin nông dân Thanh Hóa; treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); xây dựng, phát các ấn phẩm, thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa TNLĐ, BNN; tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên; đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ.
Trong năm 2021, đã tổ chức 02 lớp tập huấn tuyên truyền, cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ các cấp; tổ chức 04 hội nghị tập huấn tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động; các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và biện pháp cải thiện điều kiện lao động, công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 220 người.
Sở Y tế thường xuyên tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; Khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Trong năm 2021, số cơ sở lao động khám sức khỏe định kỳ là 287 đơn vị với tổng số người khám sức khỏe định kỳ 122.168 người.

Tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Các sở, ban, ngành đã hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản suất kinh doanh phối hợp với các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong năm 2021, đã tiếp nhận khai báo 62.144 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, đạt yêu cầu kiểm định kỹ thuật an toàn (trong đó có 61.310 chai chứa LPG). Các sở, ban, ngành có liên quan đã yêu cầu các nhà thầu thi công công trình kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kiên quyết không đưa vào sử dụng, thi công, lắp đặt các máy, thiết bị, vật tư không được kiểm định hoặc hết thời gian kiểm định./.

Thu Hương


TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương