An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thanh Hóa khuyến khích xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi tự nguyện
11:06 AM 25/02/2022
(LĐXH)- Thanh Hóa đặt kế hoạch xây dựng ít nhất 02 đến 03 cơ sở hoặc Trung tâm dưỡng lão dành cho người cao tuổi ngoài công lập cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi toàn diện.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, do UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành, tỉnh xác định mục tiêu: Phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất của người cao tuổi; hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội người cao tuổi, chú trọng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
(ảnh minh họa)
Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như sau:
Một là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.
Hai là, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Ba là, tăng cường công tác trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người cao tuổi nhất là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bốn là, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi. Thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi (công lập và ngoài công lập). Xây dựng ít nhất 02 đến 03 cơ sở hoặc Trung tâm dưỡng lão dành cho người cao tuổi ngoài công lập cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi toàn diện. Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi theo hình thức tự nguyện.
Năm là, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi.
Sáu là, trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; thành lập và phát triển hệ thống câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao phù hợp đối với người cao tuổi; tiếp tục nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Bảy là, phát huy vai trò người cao tuổi; động viên, khuyến khích người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh; nêu gương sáng, chí bền cho con, cháu noi theo.   
Tám là, trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng phát triển các công nghệ, công cụ, sản xuất tài liệu phục vụ đào tạo người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy, truyền nghề, sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Chín là, trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi
Mười là, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi.
Mười một là, tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch vào năm 2025 làm cơ sở xây dựng Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2026-2030; thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá số liệu về người cao tuổi để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi.
Mười hai là, Hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi; tăng cường hợp tác quốc tế về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, cấp chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi các cấp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nội dung kế hoạch./.
PV
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công