Thanh Hóa giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong lao động sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động nhằm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao gây mất an toàn lao động; không để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại nơi làm việc gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ của người lao động trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Trong quý I năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ tai nạn lao động, gây chết 02 người tại nơi làm việc. Trong đó, có 01 vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần quản lý & Xây dựng đường bộ 472 thuộc địa phận thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung; 01 vụ xảy ra tại Hợp tác xã công nghiệp Đông Đình thuộc địa phận xã Hà Tân, huyện Hà Trung.
Đảm bảo ATVSLĐ tại Công ty cổ phần Bao bì Lam Sơn Thanh Hóa
Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc pháp luật ATVSLĐ quy định tại Luật ATVSLĐ năm 2015, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành ở doanh nghiệp, đơn vị. Đồng thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Các đơn vị căn cứ vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh, mức độ nguy hiểm trong sản xuất, số lượng lao động trong doanh nghiệp để tổ chức bộ phận ATVSLĐ theo quy định và thành lập Hội đồng ATVSLĐ cơ sở. Phối hợp với Công đoàn cơ sở chọn lựa những người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật ATVSLĐ để ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định.
Xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm ATVSLĐ đối với máy, thiết bị tại nơi làm việc theo quy định; phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng.
Bên cạnh đó, kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hộ lao động, như: trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; thực hiện đúng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục ban hành; thực hiện bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Thanh Hóa cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động và lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe của người lao động. Thực hiện việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ, đột xuất về công tác ATVSLĐ tại cơ sở…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa hướng dẫn các đơn vị, tại hiện trường sản xuất cần thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn về ATVSLĐ và thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau để đảm bảo an toàn lao động, bao gồm: các bình chứa gas, oxy không được để cạnh nhau phải có khoảng cách an toàn, không để ngoài trời nắng, phải có giá đỡ, gông chắc chắn; đường dây điện tại nhà xưởng không được treo, mắc trực tiếp lên xà, cột bằng thép của xưởng, dây điện phải được đi trong ống gen, sắp xếp gọn gàng; che chắn các bộ phận truyền động, chuyển động của máy (dây cu roa, băng tải...). Niêm yết nội quy, quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố tại vị trí đặt máy, thiết bị dễ đọc, dễ thấy. Thực hiện nối đất, nối không cho các động cơ, thiết bị điện theo quy định; kiểm tra, đo kiểm điện trở tiếp đất của hệ thống chống sét cho các nhà xưởng, công trình; phải có biển báo, biển cấm nơi nguy hiểm để cảnh báo...
Chí Tâm
TAG: