Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thanh Hóa: Ghi nhận những nỗ lực trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
05:04 PM 16/06/2023
(LĐXH)- Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, qua đó giúp người lao động giảm bớt khó khăn, sớm tìm được việc làm mới.
Người lao đông và doanh nghiệp được tuyên truyền đầy đủ về chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang giúp người lao động không những nhận tiền trợ cấp thất nghiệp để duy trì cuộc sống hàng tháng mà còn được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi môi trường làm việc phù hợp nghề đã học hoặc trở về địa phương tự tạo việc làm bằng nghề đã học. Nắm được vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phát huy hiệu quả công tác này nhằm ổn định thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai nhiệm vụ năm 2022, Sở Lao động – TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản trong công tác việc làm, bảo hiểm thất nghiệp. Sở đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đối với 26.100 lao động. Tiếp nhận 110.321 lượt khai báo thông tin tìm kiếm việc làm hàng tháng của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét; Làm tốt công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề; Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; Kiểm tra, theo dõi, cập nhật các thông tin của người lao động liên quan đến việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Để tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp có thể tìm kiếm việc làm, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp như: Đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; cho vay vốn giải quyết việc làm. Thống kê, năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 59.850 lao động (đạt 103% kế hoạch năm), trong đó: đưa 11.760 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 235% kế hoạch năm), góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,9%. Tỉnh Thanh Hóa chiếm 8,4% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước (cả nước là 140.000 lao động); đứng thứ ba cả nước sau tỉnh Nghệ An (23.800 lao động) và tỉnh Hà Tĩnh (14.600 lao động). Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn 5,9%; giảm tỷ lệ nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 32%. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức thẩm định và cho vay hơn 4.900 dự án vay vốn giải quyết việc làm, doanh số cho vay ước đạt 450 tỷ đồng, góp phần duy trì và tạo việc làm cho 17.900 lao động.
Bên cạnh việc làm thủ tục hưởng  bảo hiểm thất nghiệp, người  lao động còn được tư vẫn học nghề, giới thiệu việc làm
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức được 41 phiên giao dịch việc làm với 382 lượt đơn vị, doanh nghiệp và 19.908 lượt người lao động tham gia, qua đó kết nối việc làm thành công cho 3.252 lao động; tổ chức 10 cuộc tham vấn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 650 lượt người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ giới thiệu 70 doanh nghiệp tuyển lao động trong nước và xuất khẩu lao động về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn giúp bổ sung kịp thời nguồn lực lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tổ chức hướng dẫn cho 1.543 lao động trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Sở Lao động – TBXH đã tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch theo Phương án của UBND tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly; kết quả: toàn tỉnh đã có khoảng 110.200 lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành trong nước; 42.380  lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh (với các ngành nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh - bán hàng, dệt may - giầy da - nhựa - bao bì, giúp việc gia đình, dịch vụ bảo vệ,...); 2.405 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp (may công nghiệp, xây dựng dân dụng, cơ khí, hàn, điện nước,...); Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 1.217 dự án vay vốn giải quyết việc làm (tập trung vào các dự án chăn nuôi, trồng cây ăn quả, làm dịch vụ, buôn bán, cơ khí...) với số tiền đã giải ngân là 94,379 tỷ đồng.
Để việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đạt hiệu quả, Sở Lao động – TBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại trung tâm hoặc qua đường bưu điện hoặc email. Đồng thời thực hiện tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại, facebook, zalo... Tăng cường làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh qua email để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm chính sách BHTN theo chương trình của Cục Việc làm, Bộ Lao động - TBXH.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Qua đó, đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách BHTN cho người lao động mất việc, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trung tâm đã cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách BHTN thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, nhờ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng BHTN, bảo đảm phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Người lao động đã giảm thiểu thời gian đi lại, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, thủ tục đơn giản, linh hoạt, giải quyết nhanh chóng mọi nhu cầu hợp lý của người lao động, được người lao động ghi nhận và đánh giá cao.
 Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh Thanh Hóa, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là điểm tựa của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2022, thị trường lao động được phục hồi mạnh so với năm 2021. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đã góp phần tích cực trong tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động thất nghiệp. Các giải pháp phát triển thị trường lao động, đảm bảo nguồn cung lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; tập trung phát triển hệ thống thông tin thị   trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm đồng bộ, hiệu quả.
Trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19. Phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó: Giải quyết việc làm trong nước là 53.000 người và xuất khẩu lao động là 5.000 người; giảm  tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 2,8% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn xuống còn 5,8%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 31,5%. 100% người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đề nghị hưởng BHTN đều được tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin về chế độ, chính sách… Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ việc làm; chỉ đạo tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và phiên lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố với tần suất từ 03-05 phiên/tháng. Tiếp tục cập nhật dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Nâng cao hiệu  lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp./.
  Hồng Phượng
 
 
TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động
Huyện Ea H’Leo: Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động