Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng..."
01:22 PM 01/06/2020
LĐXH - Đó là phát biểu của đồng chí Đào Ngọc Dung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào sáng ngày 1/6, tại trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tại Lễ Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”...
Tham dự Lễ phát động còn có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, đại diện một số cục, vụ, viện, ban ngành có liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế, các học sinh trưởng THCS Dịch Vọng và các em của Làng Trẻ em SOS Hà Nội...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chung niềm vui của các em tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em nhấn mạnh: "Việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một vài bộ, ngành mà cần có sự thực hiện trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân. Thông qua Lễ phát động này, tôi muốn từ trường THCS Dịch Vọng này truyền thông đến cả nước, mọi người lớn, mỗi anh chị phụ trách, mọi cơ quan hay làm tròn trách nhiệm của mình. Hãy nói đi đôi với làm, nói ít nhưng hành động nhiều cho trẻ em. Mỗi cháu thiếu nhi sẽ biết tự mình tìm hiểu về Luật trẻ em, thực hiện tốt 5 Điều bác hồ dạy, chúng ta kiên quyết không để xâm hại trẻ em diễn biến trong hàng ngày hiện nay”.

Theo quy định tại Điều 11 Luật trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột. Chủ đề tháng hành động năm nay là: "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em" nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng"

Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tại Việt Nam, bà Rana Flowers kêu gọi, trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng ta cần tư duy lại về đất nước và thế giới sau đại dịch Covid 19, nơi mà trẻ em cảm thấy an toàn và có thể phát triển tối đa, không bị xâm hại, bạo lực và bóc lột: “Tôi xin khuyến nghị là chúng ta cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia. Chúng ta cần đề xuất mạnh mẽ với Bộ Tài chính để đảm bảo ngân sách phân bổ, đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ xã hội được đào tạo ở cấp tỉnh, thành và quận, huyện cũng như đảm bảo cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Chúng ta chỉ có thể đấu tranh và bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả nhất khi chúng ta đảm bảo được các công tác phát hiện can thiệp, hỗ trợ đối với những trường hợp có nguy cơ cũng như nạn nhân bị xâm hại và bạo lực”.

Đại diện cho hàng triệu trẻ em Việt Nam, em Đặng Thùy Linh, lớp 8A2, trường THCS Dịch Vọng bày tỏ mong muốn, được sống trong một thế giới hòa bình, tôn trọng và yêu thương; mong cha mẹ, thầy cô, các cơ quan chức năng tiếp tục dành nhiều hơn nữa sự quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em có nhiều chính sách và hành động thiết thực để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực xâm hại giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn.:

Sự tham gia của đại diện các Bộ ngành thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong công tác bảo vệ trẻ em

“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” đang là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã dành nhiều thời gian để thảo luận báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo thống kê của Đoàn giám sát, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra nhận định, tình hình xâm hại trẻ em đang tiếp tục gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương trong Tháng hành động vì trẻ em thực hiện đầy đủ Chỉ thị 23 ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đồng thời, triển khai có hiệu quả những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 27/5/2020.

Trao học bổng và quà cho trẻ em tại Lễ phát động

Nhiều thông điệp truyền thông ý nghĩa được gửi đi trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 như:

1. Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

2. Giãn cách xã hội, cơ hội kết nối gia đình.

3. Gia đình cùng vui, đẩy lùi Covid.

4. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

6. Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình.

7. Hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe máy!

8. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.

9. Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

10. Trẻ em hãy học cách tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại.

11. Nói "không" với xâm hại trẻ em.

12. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại trẻ em.

Nguyễn Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24