An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tham vấn đánh giá thực trạng và kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý và giám sát thông tin nạn nhân bom mìn
02:50 PM 05/08/2016
Thực hiện chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh năm 2016, ngày 5/8/2016, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ (IC) tổ chức Hội thảo tham vấn đánh giá thực trạng và kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý và giám sát thông tin nạn nhân bom mìn (NNBM).
 Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục BTXH; ông Đặng Văn Đồng, Phó Chánh Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504; ông Lê Văn Chương, Trưởng ban Tổ chức Hội Khắc phục hậu quả nạn nhân bom mìn Việt Nam; ông Đỗ Văn Bình, Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hải Phòng; ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Giang; bà trần Thị Hoàn, Phó GĐ Sở LĐTBXH Thái Bình; lãnh đạo các Phòng, Ban thuộc sở LĐTBXH, trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH, cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Định và Đà Nẵng. Về đại biểu quốc tế có sự tham dự của bà Chung You-Ad, Phó Giám đốc KOIA; bà nguyễn Thị Ngọc Hân – cán bộ Chương trình UNDP; bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng Đại diện Tổ chức International Center (IC); đại diện các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia tư vấn của UNDP và IC.  
 
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao những kết quả hỗ trợ nạn nhân bom mìn thời gian qua
Nhiều kết quả tích cực
Đánh giá về thực trạng hỗ trợ nạn nhân bom mìn thời gian qua, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh còn khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. 
 
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung, gồm Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã đảm bảo cho các nạn nhân có quyền lợi tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật. Đặc biệt, công tác hỗ trợ NNBM, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐTBXH triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. NNBM là NKT nặng và đặc biệt nặng đã được hưởng trợ cấp hàng tháng; được cấp thẻ BHYT; khi chết được hỗ trợ mai táng phí; được tạo điều kiện có việc làm, ổn định cuộc sống. Các tỉnh, thành phố đang từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đối với các đối tượng cần trợ giúp xã hội, bao gồm NNBM. 
 
Ông Nguyễn Văn Bình, Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hải Phòng phát biểu chào mừng Hội thảo
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho NKT và NNBM tại một số tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Vẫn còn nhiều tồn tại
Phát biểu tại Hội thảo, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác này, đặc biệt là việc chưa có hệ thống quản lý và giám sát thông tin về NKT, trong đó có nạn nhân bom mìn ở cấp quốc gia, dẫn đến việc chúng ta chưa nắm rõ, chưa điều tra một cách cơ bản về số lượng đối tượng nạn nhân bom mìn, chưa phân tách riêng nhóm nạn nhân bom mìn trong tổng số người khuyết tật để theo dõi, quản lý, nắm bắt nhu cầu của họ nhằm xây dựng chính sách cho phù hợp. Việc cập nhật dữ liệu cũng chưa có khảo sát bài bản. Công tác truyền thông nhằm nâng cao năng lực của người dân về phòng tránh tai nạn bom mìn cũng còn nhiều hạn chế. Hệ thống chúng ta chăm sóc y tế, phục hồi chức năng… chưa hoàn chỉnh. 
 
Đại diện Tổ chức The International Center giới thiệu về Đề án xây dựng và thí điểm hệ thống quản lý và giám sát thông tin về NKT, bao gồm NNBM tại Khánh Hòa
Còn  theo ông Tô Đức, Đa số NNBM còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thu nhập thấp, không có nghề nghiệp ổn định, cơ hội tiếp cận việc làm và sản xuất kinh doanh còn hạn chế, nhất là đối với các nạn nhân là NKT nhẹ do hầu như chưa có chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, việc xác định mức độ khuyết tật nói chung và NNBM còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp cho NNBM còn hạn chế; thiếu kỹ năng đánh giá về các nhu cầu của nhóm đối tượng. Hơn nữa, các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp tại cộng đồng gần như chưa có, các Trung tâm hiện nay mới chỉ cung cấp, hỗ trợ phần nào dịch vụ CTXH cho NNBM nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp.
Định hướng thời gian tới
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cho rằng, để trợ giúp có hiệu quả NNBM hòa nhập cộng đồng, cần tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp NNBM; hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị trợ giúp NNBM tại các Trung tâm CTXH. Việc trợ giúp NNBM hòa nhập cộng đồng, cần tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: Hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm các nạn nhân; phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH và phục hồi chức năng cho NNBM; xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ và tăng cường hợp tác quốc tế về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng này. 
 
TS. Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học LĐXH đánh giá về hệ thống thông tin về NKT, NNBM tại Việt Nam và đề xuất kế hoạch thời gian tới

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều ý kiến xác đáng về việc lập lập kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý và giám sát thông tin về NKT và NNBM, trong đó cần sớm thiết kế và vận hành một hệ thống quản lý thông tin chuyên nghiệp về NKT do Bộ LĐTB&XH là cơ quan chủ trì. Bộ cũng cần xây dựng hệ thống chính sách để duy trì, quản lý và bổ sung thường xuyên thông tin về NKT vào hệ thống từ trung ương xuống địa phương; xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý thông tin với NKT thống nhất chung trong phạm vi toàn quốc, có quy trình thu thập, cơ chế giám sát, thẩm định, cập nhật thông tin một cách cụ thể, phân rõ trách nhiệm của từng ban, ngành và các địa phương; có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng cho các cán bộ LĐTBXH, nhất là ở cấp xã trong việc áp dụng phần mềm thông tin về NKT và NNBM. 

 
 
Đại diện các tỉnh Thái Bình, Khánh Hòa và Thanh Hóa chia sẻ và thảo luận mô hình hệ thống thông tin NKT, NNBM tại các địa phương
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Để triển khai tốt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, trong thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về NKT và NNBM, đánh giá cho được thực trạng về tai nạn thương tích do bom mìn, vật liệu nổ cũng như tình hình đời sống, sinh hoạt, khả năng hòa nhập cộng đồng, xác định được những thách thức, rào cản của NNBM; đồng thời rà soát, đánh giá xem trong các chính sách hiện hành, chính sách nào là phù hợp, chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung. Muốn vậy, cần xây dựng hệ thống thông tin thống nhất về NKT, trong đó có NNBM, là một hợp phần của hệ thống thông tin về an sinh xã hội với hệ thống phần mềm thống nhất trong toàn quốc, tính toán rõ nhu cầu về nguồn lực, kinh phí, cách làm phù hợp. Thứ trưởng cũng đề nghị các dự án, các nhà tài trợ hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống dữ liệu chung, không làm riêng lẻ ở từng địa phương.
 

Tùng Dương

TAG:
Tin khác
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10