Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thái Nguyên tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 3,09%
12:45 PM 14/05/2023
(LĐXH)- Trong quý I/2023, lực lượng lao động từ 15 trở lên của tỉnh Thái Nguyên là 589.441 người. Trong đó có 571.206 người có việc làm, số sao động thất nghiệp là 18.235 người (chiếm 3,09%).
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH Thái Nguyên, tỷ lệ lao động có việc làm giảm (giảm 2,2% so với quý IV/2022) do doanh nghiệp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm lao động các công đoạn sản xuất bị lỗi nên công nhân phải nghỉ việc, một số người lao động chuyển về quê tìm công việc khác... Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương trong quý I/2023 của tỉnh đạt 7,25 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với mức thu nhập bình quân chung 7,9 triệu đồng/người/tháng của cả nước.
Tỉnh Thái Nguyên có trên 4.600 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động với 196.821 lao động (số liệu sơ bộ niên giám thống kê năm 2022); trong đó, doanh nghiệp FDI là 122 doanh nghiệp (chiếm 2,65%) với 96.772 lao động (chiếm 49,17%).
Theo kết quả điều tra thống kê tình hình lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đến đầu tháng 4 năm 2023 cho thấy: số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,57% so cùng thời điểm tháng trước và giảm 5,27% so với cùng thời điểm năm trước. Chia theo ngành hoạt động: khai khoáng giảm 1,67% so với tháng trước và giảm 2,41% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,62% so với tháng trước và giảm 5,45% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,27% so với tháng trước và giảm 2,01% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1,79% so với cùng kỳ.

Người lao động tỉnh Thái Nguyên tìm kiếm thông tin việc làm tại các phiên giao dịch việc làm

Số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm tính đến hết tháng 4 năm 202338 doanh nghiệp. Số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng tới việc làm (thôi việc, mất việc làm, giảm giờ làm, ngừng việc...) 3.786 người; chủ yếu thuộc ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... Nguyên nhân giảm lao động trong các doanh nghiệp là do một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng (hoặc đơn hàng cũ chưa được thanh toán nên không tiếp tục thực hiện đơn hàng mới); sau tết Nguyên đán thường là thời điểm người lao động chọn để thay đổi công việc, định hướng nghề nghiệp của bản thân (sau khi đã nhận lương tháng thứ 13, thưởng tết...); một số khác xuất phát từ cá nhân người lao động (đau ốm/vì lý do gia đình/đi làm việc ở nước ngoài/khởi nghiệp bản thân...).
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng mới nhằm tạo đơn hàng, qua đó tạo việc làm cho người lao động...
Mặc dù gặp khó khăn, song đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đầy đủ chế độ phúc lợi cho người lao động đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành; có chính sách động viên, thu hút người lao động làm việc như: tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề, tăng tiền làm tăng ca, thêm giờ, hỗ trợ phương tiện đưa đón người lao động, nhà ở cho người lao động ở xa... nhằm giữ chân người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Đồng thời, áp dụng các biện pháp thiết thực, hiệu quả trong việc chăm lo cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần cho người lao động. Chủ động có giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra. Điều chuyển tạm thời người lao động sang các vị trí công việc khác nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho họ cho đến khi những khó khăn của doanh nghiệp được giải quyết.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động – TBXH Thái Nguyên triển khai thực hiện các nội dung nhằm phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động; triển khai các giải pháp đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động. Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 04 ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; 06 Phiên giao dịch việc làm cấp xã, 04 phiên giao dịch việc làm trực tuyến; 08 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho đối tượng học viên cai nghiện chuẩn bị tái hòa nhập cộng cộng, cho bộ đội xuất ngũ và hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trong đó, từ ngày 10/4 đến hết ngày 17/4/2023, tổ chức thành công Tuần cao điểm kết nối cung – cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 để cung cấp, tư vấn về thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh với gần 20 hoạt động diễn ra. Qua đó, đã thu hút trên 180 lượt cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với trên 20.000 chỉ tiêu tuyển dụng, trên 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh, thu hút trên 9.000 lượt người lao động, học sinh, sinh viên tham gia; 2.700 lượt người đăng ký tham gia kết nối việc làm, học nghề, được tư vấn, giới thiệu, phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến; số được giới thiệu và kết nối việc làm và tuyển sinh học nghề khoảng 1.050 người. Tại các điểm cầu, khoảng 2.000 lao động đã tham gia phỏng vấn trực tuyến; trong đó, số lao động phỏng vấn trực tuyến trúng sơ tuyển là 581 người.
Cũng trong 4 tháng, Trung tâm đã thực hiện tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho khoảng 13.000 lượt người; giới thiệu việc làm 2.200 người; kết nối, giới thiệu việc làm thành công cho 900 người.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 3.862 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó, số người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 950 người, chiếm 24,59%). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 3.144 người, số tiền chi trợ cấp thất nghiệp là 63.102.930.108 đồng; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 7.532 lượt người, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 609 người; số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 136 người, số tiền chi đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 716.250.000 đồng

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm năm 2023, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế để tham mưu, điều hành linh hoạt, ứng phó kịp thời với các hình huống phát sinh; tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp mới sớm đi vào ổn định sản xuất để tăng năng lực mới cho nền kinh tế...

Chí Tâm
TAG: lao động thất nghiệp
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững