An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thái Nguyên thực hiện trợ giúp người khuyết tật
11:28 AM 12/10/2021
(LĐXH)- Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức, cá nhân đã quan tâm và thực hiện trợ giúp người khuyết tật, từng bước đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người khuyết tật, tạo động lực để người khuyết tật phát huy năng lực của mình, vươn lên hòa nhập.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 26.364 người khuyết tật (bao gồm cả người khuyết tật là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin), chiếm khoảng 2,16% dân số; trong đó có 19.489 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, chiếm 73,9% trong tổng số người khuyết tật. Số người được xác định dạng tật, mức độ khuyết tật là 21.995 người và đã được cấp Giấy xác nhận khuyết tật, gồm: mức độ đặc biệt nặng 4.665 người (chiếm 21,2%), mức độ nặng 13.210 người (chiếm 60,1%), mức độ nhẹ 4.120 người (chiếm 18,73%) và không xác định được là 55 người (chiếm 0,25%).
Đến nay, các hoạt động chăm sóc, trợ giúp, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống đã được tỉnh Thái Nguyên chú trọng đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tư pháp; trợ giúp học nghề - việc làm, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn. Trong đó có Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật năm 2021, làm cơ sở để các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Đồng thời, kiện toàn các ban công tác người cao tuổi, người khuyết tật của tỉnh; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, góp công sức tiền của, ngày công để hỗ trợ người khuyết tật ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trao điện thoại thông minh sử dụng phần mềm ứng dụng “9999 hy vọng” cho người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên

Chỉ tính trong 9 tháng năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền cho 2.207 người khuyết tật dạng mù câm điếc; hướng dẫn cho 115 người khuyết tật có điện thoại thông minh được cài đặt và sử dụng phần mềm “9999 hy vọng”; tổng hợp, thống kê người khuyết tật là thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 6 của Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 làm cơ sở đề xuất xây dựng chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm đối tượng này.
Được biết, phần mềm “9999 hy vọng” dành riêng cho người khiếm thị, khiếm thanh và khiếm thính do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tham gia hỗ trợ, trợ giúp người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên. Ứng dụng này sẽ giúp người khiếm thị, khiếm thanh và khiếm thính sử dụng điện thoại thông minh đọc sách, đọc truyện, nghe tin tức, học tập, đọc văn bản pháp luật, nhận biết tiền mặt qua camera, định vị đi lại, tìm đường, gọi xe, ghi chú công việc cũng như giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày, dưới dạng trò chuyện cùng trợ lý ảo Pigo.
Tham gia chương trình này, 100% người khuyết tật thuộc nhóm đối tượng khiếm thị, khiếm thanh và khiếm thính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện và có nhu cầu đăng ký tập huấn tiếp cận với công nghệ số và sử dụng ứng dụng phần mềm ứng dụng “9999 hy vọng” để kết nối với cộng đồng, xã hội cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật được hỗ trợ một cách tốt nhất.
Công ty AIC đã đồng ý để tỉnh Thái Nguyên được sử dụng miễn phí phần ứng dụng “9999 hy vọng”, đơn vị trực tiếp vận hành, sử dụng là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; cử cán bộ làm báo cáo viên hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm ứng dụng “9999 hy vọng” trên điện thoại cảm ứng thông minh cho các đối tượng. Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục hỗ trợ máy điện thoại di động thông minh đã cài đặt phần mềm trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ người khuyết tật thuộc nhóm đối tượng khiếm thị, khiếm thanh và khiếm thính trên địa bàn.
Tiếp đến, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên còn phối hợp với các Sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội về: chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người khuyết tật; phương pháp tiếp cận, cách xác định đối tượng; cơ chế phân bổ tài chính, đối mới cơ chế chi trả qua tổ chức dịch vụ… Hiện tại, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật để thực hiện nhiệm vụ xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định…
Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên), chia sẻ: Đến nay, nhận thức của xã hội về vấn đề khuyết tật, người khuyết tật và hình thức, phương pháp trợ giúp người khuyết tật đã được các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm triển khai và ngày ngày càng đi vào thực chất. Qua đó, đã huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức thiện nguyện, các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia giúp đỡ và đem lại hiệu quả trong thực tế cho người khuyết tật.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh: Tích cực sàng lọc, trị liệu tâm lý đối với trẻ tự kỷ
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai
Bắc Giang: Tăng cường các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Giang: Đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% số cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Bắc Giang: Nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân
Nhiều hoạt động tri ân thiết thực ở huyện Trực Ninh
Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang: Nơi gửi gắm niềm tin
Xã Trực Thanh thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Quảng Ninh