Thái Nguyên nỗ lực phát huy các hoạt động tuyên truyền trong công tác giảm nghèo bền vững
Những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, từng bước nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo thành công. Đó là nhờ một phần công sức từ các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép bài bản, tận tâm cùng với các chính sách giảm nghèo và nhận được sự hưởng ứng của nhân dân tỉnh.
Xác định rõ vai trò của công tác tuyên truyền đối với việc thực hiện công tác giảm nghèo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức, triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Ban đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống ngành tuyên giáo của tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch thông tin tuyên truyền phong trào thi đua tới đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Định hướng hoạt động tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị lồng ghép với tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào; chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền và động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào.
Mô hình chăn nuôi gà thịt dù mới được triển khai tại xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Thái Nguyên) đã đem lại hiệu quả bước đầuTheo đó, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung, hoạt động phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nội dung, giải pháp giảm nghèo; văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo; cách làm hay, linh hoạt trong tổ chức thực hiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong thực hiện giảm nghèo; việc huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo; sáng kiến, mô hình giảm nghèo bền vững, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống… Nhiều địa phương tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành; căng treo pano, băng rôn tuyên truyền về chủ đề “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã đưa công tác giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch của từng đơn vị; tích cực tuyên truyền và triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về công tác giảm nghèo. Các cơ quan báo chí của tỉnh sản xuất, biên tập, phát sóng, phát thanh và các sản phẩm thông tin phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình về công tác giảm nghèo bền vững…
Cây chè đã giúp đồng bào vùng sâu vùng xa có việc làm và thu nhập ổn địnhNhờ hiệu quả công tác tuyên truyền các sáng kiến, mô hình giảm nghèo tới mọi xã, thị trấn trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng thành công 27 mô hình giảm nghèo, thu hút 457 hộ nghèo tham gia, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,2 tỷ đồng. Ngoài ý nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, các mô hình giảm nghèo (như chăn nuôi trâu, bò sinh sản; gà thả vườn; trồng cây ăn quả, chè chất lượng cao...) còn có tác động tích cực đến tư duy làm kinh tế, giúp hộ tham gia mô hình thay đổi cách nghĩ, cách làm và biết hướng đến sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập. Đặc biệt trong thời gian triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thực sư phát huy hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo tại từng cơ sở. Qua đó nắm bắt được khó khăn tồn tại, nguyện vọng của hộ nghèo, từ đó có cơ sở tham mưu cho tỉnh và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức thông tin tuyên truyền về phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các nội dung về công tác giảm nghèo thông qua các hội nghị báo cáo viên, giao ban cộng tác viên dư luận xã hội, giao ban báo chí định kỳ hằng tháng của tỉnh. Thường xuyên nắm bắt, tổng hợp và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có các vấn đề liên quan tới những chính sách, chương trình giảm nghèo...; kịp thời đề xuất, kiến nghị hướng giải quyết với Thường trực Tỉnh uỷ, các đơn vị có liên quan. Biên tập, đăng tải nhiều nội dung về công tác giảm nghèo trên bản tin Thông báo nội bộ và Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên phục vụ sinh hoạt chi bộ tại các chi, đảng bộ trong toàn tỉnh và thông tin tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, ngành, tầng lớp dân cư...
Từ phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân ở xóm Đồng Danh, xã Yên Ninh đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định.Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm đáng kể từ 13,4% (năm 2016) xuống còn khoảng 3,1% vào cuối năm 2020, bình quân giảm 2,06%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Các hoạt động tuyên truyền đã giúp Thái Nguyên thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người hộ cận nghèo, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế dự kiến năm 2020 đạt 98,5%; miễn giảm học phí cho 185.905 học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo với kinh phí trên 49 tỷ đồng; trợ cấp xã hội cho hơn 156.000 học sinh vùng khó khăn với kinh phí trên 42.000 tỷ đồng; hỗ trợ về nhà ở cho hơn 3.500 hộ nghèo; tạo việc làm mới cho hơn 21.000 lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xã, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 70%.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã cho hơn 51.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí cho vay trên 2.200 tỷ đồng, trong đó hơn 26.400 lượt hộ nghèo vay trên 1.000 tỷ đồng, gần 18.000 lượt hộ cận nghèo vay 785 tỷ đồng, hơn 7.000 hộ mới thoát nghèo vay 346 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mua con giống, cây giống, phương tiện hỗ trợ sản xuất nhằm từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tặng quà đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
Song song với đó, Sở LĐTBXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề cho 46.455 người; tạo việc làm tăng thêm cho 21.500 người, trong đó có hàng trăm lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cùng với đào tạo nghề là các chương trình, dự án hỗ trợ người dân vùng khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, như: Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh được thực hiện tại các huyện có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống (gồm Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương và Đồng Hỷ), với tổng kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng; Chương trình 135 hỗ trợ hơn 119 tỷ đồng cho xây dựng mới và duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; hơn 21,8 tỷ đồng cho phát triển sản xuất như: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy móc cho hộ nghèo các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi; nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện chương trình phối hợp công tác tuyên truyền biển, đảo giữa Tỉnh uỷ Thái Nguyên và Quân chủng Hải quân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Cục Kỹ thuật Hải quân cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu: Năm 2016, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh Trần Văn Chức, ở thôn Nạ Tẩm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa với số tiền 70 triệu đồng. Năm 2020, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lê Ngọc Quang, ở xóm Làng Hang, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai với số tiền 80 triệu đồng... Những kết quả trên đã giúp truyền tải mục đích, thông điệp cao đẹp, ý nghĩa của phong trào thi đua tới đông đảo người dân: “Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước”.
Đại diện Cục Kỹ thuật Hải quân trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa
cho gia đình ông Lê Ngọc Quang (xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai)
Có thể nói, công tác tuyên truyền đã khơi dậy tình thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư, giúp công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả. Những đóng góp của toàn xã hội với công tác giảm nghèo, sự lan tỏa, kết quả đạt được của phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” thời gian qua là minh chứng rõ nét khẳng định sự thành công của công tác tuyên truyền góp sức cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Minh