(LĐXH) - Trong năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã triển khai điều hành quyết liệt các giải pháp đề ra, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trên các lĩnh vực, trong đó có công tác lao đông, việc làm.
Tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, thông tin về lao động, việc làm cho người lao động và doanh nghiệp
Tính đến đến tháng 12/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là 623.500 người; số người lao động trong độ tuổi có việc làm 611.000 người. Sở Lao động – TBXH đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu về lao động, việc làm của ngành và UBND tỉnh giao; Luôn đồng hành với doanh nghiệp, người lao động. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức kết nối cung - cầu lao động trong tỉnh và kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm. Hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.
Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động. Tổ chức thành công Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động năm 2023, thu hút trên 180 lượt cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo đó, kết quả có trên 20.000 chỉ tiêu tuyển dụng, trên 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh, thu hút trên 9.000 lượt người lao động, học sinh, sinh viên tham gia; số được giới thiệu và kết nối việc làm và tuyển sinh học nghề khoảng 1.050 người. Tại các điểm cầu, có khoảng 2.000 lao động đã tham gia phỏng vấn trực tuyến, trúng sơ tuyển là 581 người. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 66 ngày hội việc làm cấp huyện, phiên giao dịch cấp xã, hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lao động, việc làm.
Bên cạnh giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh cũng quan tâm đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời hỗ trợ lao động trong lúc không có việc làm, hỗ trợ người lao động sớm có việc làm mới trở lại thị trường lao động. Trong năm, đã thực hiện giải quyết cho 10.842 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11,06% so với cùng kỳ năm 2022 (11.276/10.190); 10.762 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022 (10.762/9.989); 25.762 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và 411 người được hỗ trợ học nghề.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 với sự tham dự khoảng 1.000 cán bộ, người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thăm, tặng quà gia đình 05 nạn nhân bị tai nạn lao động. Tổ chức 03 lớp tập huấn đào tạo cho 196 người sử dụng lao động, người lao động về nội dung: hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về lao động về quản lý, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.
Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Lao động - TBXH đã tổ chức thành công Hội thi Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp – Nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Hội thi đã có gần 30 đơn vị doanh nghiệp với hơn 100 người lao động tham gia Hội thi. Qua đây đã tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động, việc làm. Tôn vinh những người lao động có tay nghề cao, lao động sáng tạo trong phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi" của công nhân lao động tỉnh Thái Nguyên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên và quốc gia trong quá trình hội nhập. Tạo cơ hội để người lao động nói chung, người lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng trong các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo việc làm bền vững.
Song song với đó, việc đưa người lao động đi làm việc ở ngước ngoài cũng được đẩy mạnh, qua đây tạo nguồn ngoại tệ đáng kể cho các gia đình, nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; giúp người lao động được tiếp cận đến các thị trường lao động có chất lượng cao, văn hóa, tác phong lao động của các nước tiến tiến để sau khi trở về nước sẽ cung cấp cho thị trường lao động của tỉnh một lực lượng lao động có chất lượng cao, bổ sung cho nguồn nhân lực của tỉnh. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã có 2.749 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 143% so với năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Dịch vụ công giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia hiện chưa kết nối liên thông về với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh do phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp của Bộ xây dựng, vận hành đã lâu không đảm bảo việc kết nối liên thông dẫn đến thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đã xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia không liên thông và tính số liệu trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh dẫn đến tỷ lệ tiếp nhận, xử lý dịch vụ công trực tuyến của Sở chưa cao. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế các nước trong chuỗi cung ứng gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, hệ lụy tiêu cực của xung đột giữa Nga và Ucraina dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp có xu hướng giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động giải quyết việc làm cho lao động. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn có xu hướng giảm dần lao động do ứng dụng chuyển đổi số, tự động hóa, các doanh nghiệp mới tăng lao động không nhiều.
Trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74% (trong đó có bằng, chứng chỉ 36,5%); Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 42.5%./.
Hồng Phượng