Thái Nguyên: Đa dạng các hình thức phổ biến thông tin thị trường lao động
(LĐXH)- Với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hội nghị tư vấn - giới thiệu việc làm; thu thập, cập nhật thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động và khảo sát, thu thập thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động.
Tỉnh Thái Nguyên có dân số trên 1,3 triệu người, trong đó khu vực thành thị chiếm 39,34%, khu vực nông thôn chiếm 60,66%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh là 611.894 người, trong đó số lao động có việc làm là 602.562 người. Thống kê toàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; có 11 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 5 KCN đang hoạt động, với tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp tính đến hết tháng 6/2023 là 84.098 lao động.
Hằng năm, căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; các Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và về việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) triển khai Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, thu thập thông tin về thực trạng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã trên địa bàn; khảo sát, tổng hợp nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, góp phần từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động.
Đối với hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, Trung tâm DVVL Thái Nguyên đã xây dựng website"vieclamthainguyen.gov.vn" - là địa chỉ cung cấp các thông tin trong lĩnh vực lao động, việc làm. Thông qua website này, người truy cập được cập nhật các chính sách, tình hình về lao động việc làm trên địa bàn tỉnh, thông tin về các chỉ tiêu, số liệu thống kê về việc làm, thông tin thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giải đáp thắc mắc các chính sách việc làm, lao động... Đến nay, website đã đạt 161.680 lượt truy cập.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động nói chung và đặc biệt quan tâm người lao động thuộc các đối tượng chính sách xã hội, hộ gia đình nghèo và cận nghèo.
Giai đoạn 2015-2023, Trung tâm đã thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin nhu cầu tuyển dụng của 2.500 lượt doanh nghiệp với khoảng 200 vị trí việc làm. Nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trung bình hằng năm là trên 20.000 lao động (riêng năm 2022 là 29.157 lao động, giảm 13.879 lao động, chỉ bằng 67,8% so với nhu cầu tuyển dụng năm 2021); thu thập thông tin người lao động về nhu cầu tìm kiếm việc làm thường xuyên của khoảng 30.000 lượt người lao động.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổng hợp dữ liệu việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thông tin tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tiếp/trực tuyến; phổ biến kịp thời thông tin về thị trường lao động đến các doanh nghiệp và người lao động. Việc cung cấp thông tin thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: thực hiện truyền thông trực quan (căng treo pano, băng zôn, áp phích... tại các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố trên toàn tỉnh); thông tin trên sóng phát thanh – truyền hình cấp tỉnh, huyện, thành phố và các Trung tâm thông tin, các cơ sở GDNN, nhà văn hóa các xã, phường, thị trấn; thông tin trên hệ thống loa phát thanh cấp huyện, cấp xã và tại các hoạt động chuyên môn thường xuyên, như: Ngày hội việc làm, Hội nghị, Phiên giao dịch việc làm lưu động, định kỳ và thường xuyên tại Trung tâm DVVL, địa phương thuộc tỉnh.
Đặc biệt, Trung tâm DVVL tỉnh Thái Nguyên luôn chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động thất nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời hỗ trợ đưa tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hàng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, như: Fanpage, Zalo, Thái Nguyên ID… nhằm cung cấp thông tin đến người lao động kịp thời. Hằng năm, Trung tâm DVVL tỉnh đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng của trên 200 lượt doanh nghiệp; giới thiệu việc làm và kết nối người lao động với trên 70 lượt đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp/năm.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, chuyển đổi số… đã mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Các phiên giao dịch việc làm thời gian qua đã được đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả, cải tiến về quy mô và hình thức tổ chức, bám sát xu hướng của thị trường lao động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm của người lao động trên địa bàn, hỗ trợ người lao động tìm việc, doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động của tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Thời gian và số lượng doanh nghiệp chủ động thực hiện thông báo tình hình biến động lao động hạn chế nên còn khó khăn trong công tác phân tích, tổng hợp số liệu phục vụ công tác đánh giá, định hướng tình trạng việc làm của người lao động. Việc phân tích, dự báo thông tin về thị trường lao động còn hạn chế trong dữ liệu, sự phối hợp của các cấp, các ngành; thiếu công cụ và kỹ năng tổ chức thực hiện.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tích cực tìm kiếm và khai thác thông tin thị trường lao động làm phong phú vị trí tuyển dụng để tổ chức tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để đa dạng các ngành nghề, từ đó định hướng để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm. Tổ chức triển khai thu thập thông tin người lao động theo Thông tư 11/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chủ động phối hợp với công an địa phương để nhập cơ sở dữ liệu người lao động vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.
Anh Minh
TAG:
Lao động. Việc làm