An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thái Bình: Tăng cường các hoạt động trợ giúp người khuyết tật
04:26 PM 24/09/2020
Những năm qua, công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đối với NKT được nâng cao, bản thân NKT ngày càng nỗ lực, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1019 (giai đoạn 2012 - 2020), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm đời sống cho trên 10 vạn NKT trên địa bàn tỉnh. Trong 7 năm (2013 - 2019), Hội đã huy động sự đóng góp của toàn xã hội trợ giúp NKT với số tiền và hiện vật quy ra tiền gần 30 tỷ đồng. Cùng với sự giúp đỡ của Trung ương Hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, Hội đã hỗ trợ gần 1.300 xe lăn, xe lắc; xây dựng, sửa chữa gần 20 ngôi nhà tình thương và trao hàng chục sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo có NKT. Hoạt động trợ giúp về y tế, phẫu thuật và cung cấp các dụng cụ trợ giúp cho NKT đã góp phần giúp hàng nghìn NKT phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe, tự chủ trong sinh hoạt.
Các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà gia đình có người khuyết tật khó khăn tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Phụ)
Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ khuyết tật có điều kiện đến trường, 7 năm qua, Hội đã vận động và trao tặng hàng trăm xe đạp, hàng trăm suất học bổng cho NKT trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học. Xác định việc tạo sinh kế cho NKT là việc làm cần thiết, trong 7 năm qua, đã có hơn 2.000 NKT được học nghề, chủ yếu là các nghề thủ công, mỹ nghệ như: may công nghiệp, đan, thêu, móc, mộc dân dụng, tranh đá quý, làm chổi đót, chăn nuôi gia súc, gia cầm... phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật, làm việc tĩnh, ít phải di chuyển. Tỷ lệ NKT có việc làm sau học nghề đạt khoảng 30 - 40%.
Ngoài ra, công tác trợ giúp pháp lý và tiếp cận công nghệ thông tin cho NKT được đặc biệt quan tâm. Thông qua các hội nghị, hội thảo của trung ương, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tham gia góp ý, xây dựng, phản biện xã hội đối với xây dựng chính sách, dự thảo văn bản pháp luật, định hướng xây dựng một số luật liên quan đến NKT. Duy trì thường xuyên việc tuyên truyền chính sách pháp luật, kết nối vận động quỹ, biểu dương các tấm gương điển hình, các hình thức hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình sinh kế... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài hỗ trợ về vật chất, Hội còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần cho NKT qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Đặc biệt, Hội đã hưởng ứng nhiệt tình hội thi tiếng hát NKT lần thứ I và lần thứ II do Trung ương Hội phát động. Ngoài ra, Hội luôn chủ động, tích cực khảo sát, thu thập, tổng hợp tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NKT, việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với NKT ở địa phương để tham gia có trách nhiệm với các ban, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT.
Có thể nói, công tác trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Thái Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. NKT ngày càng phấn khởi, tự tin, vượt qua mặc cảm, khó khăn; nắm bắt cơ hội để thể hiện bản thân, tự chủ về tài chính, giảm lệ thuộc, trông chờ vào gia đình, nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sự trợ giúp cho NKT vẫn còn một số khó khăn. Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để trợ giúp pháp lý, tập huấn, văn hóa, thể thao còn nhiều khó khăn. Số lượng NKT có nhu cầu trợ giúp ngày càng tăng và đa dạng trong khi việc điều tra, khảo sát nắm đối tượng để hỗ trợ chưa kịp thời do không đủ nhân lực thực hiện. Một số ít NKT có tâm lý trông chờ vào sự tài trợ, chưa có ý thức lao động và vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, khó khăn lớn hiện nay là việc huy động sự trợ giúp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để khắc phục những khó khăn trên, trước hết bản thân NKT cần nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Mặt khác, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong hoạt động trợ giúp NKT để họ tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng./.
Thu Hoài
 
TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch