Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Thái Bình cần đẩy nhanh hỗ trợ người lao động
04:55 PM 06/11/2021
(LĐXH)- Tỉnh Thái Bình đã nỗ lực triển khai thực hiện khá tốt các Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt khó khăn ổn định phát triến sản xuất trong tình hình mới.
Ghi nhận ở Xí nghiệp May veston Hưng Hà
Ngày 5/11, Đoàn công tác Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội do ông Vũ Xuân Hân, Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đoàn kiểm tra đã tiến hành nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đoàn công tác tìm hiểu đời sống người lao động tại Xí nghiệp May Veston Hưng Hà

Tại Xí nghiệp may veston Hưng Hà - chuyên may sản phẩm veston cao cấp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10, kiêm Giám đốc Trung tâm sản xuất và Công nghệ cao Veston Hưng Hà, cho biết: Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều đơn hàng của xí nghiệp bị tạm hoãn, người lao động rất khó khăn, công nhân phải làm việc cầm chừng và nghỉ việc. Song đơn vị vẫn phải lo đủ việc làm, đảm bảo lương ổn định cho một lượng lớn công nhân.
“Đây là giai đoạn xí nghiệp tưởng không thể tồn tại trước những biến cố, chúng tôi quyết định chuyển đổi sang may khẩu trang, trang phục bảo hộ lao động để cứu vãn tình hình” - Giám đốc Nguyễn Thị Bích Thủy, chia sẻ.
Theo Giám đốc Nguyễn Thị Bích Thủy, trong lúc khó khăn do dịch bệnh, Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg với các chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người lao động ngừng việc, vay vốn trả lương phục hồi sản xuất… Đặc biệt với chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động được triển khai đã giúp xí nghiệp vượt khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất.

Đoàn công tác làm việc với Ban giám đốc Xí nghiệp May Veston Hưng Hà

Được sự trợ giúp từ Trường Cao đẳng nghề Long Biên thuộc Tổng công ty May 10, xí nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc dây chuyền hiện đại để may các sản phẩm veston cao cấp. Đến nay, đã duy trì sản xuất, giữ chân và tạo việc làm ổn định cho 842 lao động, với mức thu nhập bình quân 6 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, xí nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với đối tác nước ngoài đến Quý I năm 2022.
Nhờ chủ động sắp xếp, bố trí và phân công lao động hợp lý, kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, hiện xí nghiệp Hưng Hà ký thêm được nhiều đơn hàng mới... ổn định việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Thái Bình cần tận dụng tốt các chính sách từ Nghị quyết 68
Báo cáo với đoàn kiểm tra, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình, cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực, Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung của từng chính sách.
“Các huyện, thành phố đã bám sát văn bản chỉ đạo, kế hoạch của tỉnh triển khai hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp. Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng, công khai ngay từ đầu. Đến nay, tỉnh chưa tiếp nhận được phản ánh của người dân liên quan đến tiêu cực khi thực hiện chính sách hỗ trợ” - ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình, thông tin.

Trưởng đoàn kiểm tra Vũ Xuân Hân phát biểu tại cuộc làm việc với các sở, ngành của tỉnh Thái Bình về triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg 

Tính đến đầu tháng 11/2021, tỉnh Thái Bình đã có trên 172.937 người lao động, hơn 2.780 doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ, với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Một số chính sách Nghị quyết 68/NQ-CP đã cơ bản hoàn thành như: giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch…
Bên cạnh những mặt tích cực, theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số địa phương trong tỉnh chưa sáng tạo, linh hoạt, còn máy móc trong cách hiểu và áp dụng, nên chưa đảm bảo kịp thời trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ các đối tượng từ Nghị quyết 68/NQ-CP.
Làm việc với các sở, ngành chức năng của tỉnh Thái Bình, các thành viên Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, giải đáp các chính sách Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại cuộc làm việc, Trưởng đoàn Vũ Xuân Hân ghi nhận những nỗ lực triển khai chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội của tỉnh Thái Bình.
“So với nhiều địa phương phía Nam, Thái Bình có thuận lợi là kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ ngay từ đầu. Đây là điều kiện để các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19”, ông Vũ Xuân Hân nhận xét.
Đánh giá cao tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề cho hơn 600 lao động của Xí nghiệp May veston Hưng Hà, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng từ Nghị quyết 68/NQ-CP. Thời gian tới, ông Vũ Xuân Hân đề nghị địa phương đẩy nhanh việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đã qua rà soát, thẩm định, kiểm tra.
“Từ danh sách đối tượng đã được rà soát, Thái Bình cần triển khai linh hoạt, quyết liệt hơn vì người lao động và đơn vị sử dụng lao động, để họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Với lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê, sau khi thực hiện cách ly, sàng lọc người lây nhiễm Covid-19, cần phối hợp với công ty, doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm tại chỗ cho họ’, ông Vũ Xuân Hân, đề nghị.
Được biết, do kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, từ nay đến cuối năm 2021, hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có nhu cầu tuyển dụng trên 15.500 lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và may mặc...

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra