Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thạch Hà tri ân người có công với cách mạng
10:36 AM 05/11/2021
(LĐXH)-Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng bằng trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 19.150 người có công với cách mạng, 94 cán bộ tiền khởi nghĩa, 204 mẹ Việt Nam anh hùng, 2.246 thương binh, 1.155 bệnh binh; 11.572 người có công giúp đỡ cách mạng, 561 người bị nhiễm chất độc hoá học được công nhận hưởng chế độ (trực tiếp 305 người, gián tiếp 256 người); 3.094 liệt sĩ, trong đó có 380 liệt sĩ chống Pháp, 2.357 liệt sĩ chống Mỹ, 274 liệt sĩ chiến tranh biên giới Tây Nam, 83 liệt sĩ chiến tranh biên giới phía Bắc. Thạch Hà hiện đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 3.816 người có công với cách mạng, số tiền lên đến gần 7 tỷ đồng/tháng.
Trao tiền hỗ trợ làm nhà cho người có công huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh)
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Hà đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và các địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng trong toàn quân, cùng toàn dân chăm sóc người có công với nước. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đối tượng, theo dõi cập nhật và chi trả chế độ được huyện Thạch Hà quan tâm thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng, đủ theo quy định về trợ cấp hàng tháng cũng như trợ cấp một lần. Công tác tiếp nhận, xử lý, xét duyệt hồ sơ giải quyết các loại chế độ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để hồ sơ tồn đọng quá hạn.
Đến nay, các hoạt động chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và giúp đỡ người có công với cách mạng làm nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình đã phần nào giảm bớt những mất mát, đau thương và làm ấm lòng thân nhân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt, việc thực hiện có hiệu quả chính sách người có công với cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo từ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, bình quân mỗi năm, Thạch Hà huy động được gần 2 tỷ động phục vụ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như: hỗ trợ làm nhà ở, thăm hỏi, tặng quà; xây mới, nâng cấp các công trình ghi công các anh hùng liệt sĩ; hỗ trợ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn đột xuất...
Trước sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền địa phương, rất nhiều thương, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng ở Thạch Hà đã vươn lên ổn định cuộc sống, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như: thương binh 4/4 Lê Tự Sâm (xã Tân Lâm Hương), gương mẫu trong các phong trào thi đua, có 4 người con làm kinh tế giỏi, trong đó có 2 người là Tiến sỹ; bệnh binh 2/3 Trương Quang Trung (xã Tân Lâm Hương), là tấm gương làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập trên 1,5 tỷ đồng; thương binh Nguyễn Thiện Hồng (xã Thạch Kênh), làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập 1,2 tỷ đồng; thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thành (xã Lưu Vĩnh Sơn), gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, làm thôn trưởng, bí thư chi bộ nhiều năm…
Nhằm phát huy truyền thống tri ân người có công với cách mạng, thời gian tới, huyện Thạch Hà sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công đảm bảo kịp thời, công khai, dân chủ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống cách mạng, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, tiếp tục mạnh phong trào xây dựng xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công; chú trọng tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các chính sách đối với người có công gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ưu tiên công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ…/.

Lê Việt

 

TAG:
Tin khác
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội Thủ đô
Hơn 100 đại biểu dự hội nghị về công tác tài chính do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức
Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Ba Tri
Bắc Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Bắc Giang: Đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thoát nghèo tại huyện Sơn Động
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo