An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng
03:16 PM 09/11/2021
(LĐXH) - Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, song Đảng, Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm tới nhóm đối tượng bảo trợ xã hội thông qua việc triển khai thực hiện nhiều chính sách trợ giúp.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Bộ LĐTBXH đã ướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, tổ chức rà soát đối tượng, tăng cường giải quyết chính sách trợ giúp cho đối tượng theo mức mới bảo đảm kịp thời, đầy đủ từ ngày 01/7/2021. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn huyện, xã tổ chức thực hiện bảo đảm đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội được chuyển sang hưởng mức mới từ ngày 1/7/2021. Tổng số đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội từ 1/7/2021 dự kiến theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là khoảng 3,25 triệu đối tượng, tăng khoảng 120 ngàn đối tượng so với Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Kinh phí chi cho 120 ngàn đối tượng tăng thêm theo Nghị định khoảng 820 tỷ đồng/năm.
Đối tượng bảo trợ được quan tâm chăm sóc
Ngân sách chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP khoảng 23.675 tỷ đồng/năm. Đến thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP  đã có 12 tỉnh, thành phố chủ động tăng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 390.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội bằng 1/3 mức lương cơ sở, cao nhất trong cả nước (tương đương khoảng 500.000 đồng/tháng). Do đó kinh phí tăng thêm năm 2021 khoảng 3.000 tỷ đồng. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được triển khai thông qua cơ quan Bưu điện tại 61/63 tỉnh, thành phố (còn thành phố Hà Nội và Đồng Tháp chưa triển khai thực hiện).
Song song với đó, công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng và quy hoạch, củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cũng được quan tâm chú trọng. Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập. Chia theo loại hình có: 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ tương đối 19,3%, người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%. Cho đến nay, các cơ sở trợ giúp xã hội đã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội 30% đối tượng cần trợ giúp xã hội với các dịch vụ như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội hiện đang làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới tại cấp xã gồm 35.000 người. Số lượng đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội khoảng 62.000 đối tượng.
Bộ LĐTBXH đã xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn nuôi dưỡng của các cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP. Trình Chính phủ ban hành Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với việc quan tâm chỉ đạo thực hiện, về cơ bản đã bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thực hiện đầy đủ quy định của Luật Người cao tuổi, bảo đảm 100% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT; phối hợp tháo gỡ những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người cao tuổi./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công