Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tập trung đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là giải pháp trọng tâm
04:49 PM 20/02/2017
(LĐXH) – Sáng ngày 20/2/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị – Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công An, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án Nhân dân Tối cao, Tư pháp, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TPHCM, TP Hà Nội cùng  đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu khái quát tình hình về công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và những tồn tại, bất cập hiện nay, đặc biệt là về tình hình tội phạm ma túy ngày càng tinh vi và phức tạp. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khi phát biểu ý kiến cần đi thẳng vào trọng tâm những vấn đề vướng mắc, bất cập cũng như các ý kiến đề xuất, đồng thời đưa ra kiến nghị các giải pháp về quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người); ngoài nghiện Heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ mỹ “ XLR) – 11” tăng nhanh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Tính đến nay, cả nước có 132 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 110 cơ sở công lập và 22 cơ sở ngoài công lập do tổ chức cá nhân thành lập. Trong số 110 cơ sở công lập có 05 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 75 cơ sở cai nghiện tổng hợp (cai bắt buộc, cai tự nguyện, Mathadone, quản lý người nghiện có nơi cư trú ổn định), 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Mathadone, 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Tính đến nay, tổng số người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 27.918 học viên, trong đó: cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên, tăng 12.461 học viên so với năm 2015, trong đó có 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 59,5%. Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 50.663 người, trong đó điều trị tại các cơ sở của ngành y tế là 48.229 người, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là 2.434 người. Cai nghiện tại cơ sở tư nhân là 5.300 lượt học viên; quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai là 1.763 học viên; quản lý tại cơ sở xã hội là 2.538 người.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe 13 ý kiến của các địa phương và các Bộ, ngành xoay quanh các vấn đề còn tồn tại như: Về văn bản pháp luật, Quy định về cai nghiện bắt buộc, quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; quy định về quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 và Nghị định 94/2009/NĐ – CP; về tổ chức thực hiện; xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ ban đầu; về giáo dục tại xã phường, thị trấn đối với người nghiện; Tòa án xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; nguyên nhân các vụ học viên bỏ trốn trong thời gian qua. Theo đại diện của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh: Thời gian tới cần phải có giải pháp  hiệu quả để kéo giảm tỷ lệ người nghiện ma túy một cách hiệu quả. Đặc biệt là cần tập trung xây dựng các mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời có biện pháp phân loại đối tượng người nghiện để có giải pháp điều trị hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM: Muốn cảm hóa được người nghiện thì cần xem người nghiện ma túy như người bệnh, chính vì vậy, trong thời gian qua Thành phố Hồ Chí Minh đã không để xảy ra tình trạng người nghiện trốn khỏi Trung tâm. Bà Thu khẳng định đó cũng là giải pháp hiệu quả mà thành phố đang tập trung đẩy mạnh. Bên cạnh đó, thành phố còn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị một cách bài bản giúp người nghiện có không gian và môi trường điều trị thích hợp, góp phần nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Bà Thu cũng kiến nghị Chính phủ sớm có văn bản quy định đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú, đối tượng người nghiện chưa thành niên; Kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn phương pháp điều trị người nghiện ma túy tổng hợp.

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng nêu thực trạng tình hình tội phạm ma túy xuyên biên giới hết sức phức tạp. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương và Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ và có cơ chế đặc thù cho các địa phương có địa bàn nóng và phức tạp. Ông Thủy cũng dẫn chứng tình trạng tội phạm ma túy ở Sơn La: Một số người nghiện ma túy cũng là người buôn bán ma túy. Hay như đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nên hình thành Trung tâm dự phòng điều trị và lạm dụng chất, mô hình này ở nước ngoài áp dụng rất hiệu quả. Còn đại diện lãnh đạo Bộ Y tế thì cho rằng nên thay đổi phương thức tiếp cận điều trị. Theo dẫn chứng của đại diện Bộ Y Tế trên thế giới hiện có 270 triệu người lạm dụng và nghiện ma túy, song số bệnh nhân được điều trị lạm dụng chất ma túy chỉ được 2%, phần đông là người nghiện ma túy tổng hợp và hiện nay người nghiện ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Chỉ tính trong năm 2014 có 64 chất được đưa vào sử dụng và năm 2016 có 50 -70 chất ma túy mới được đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: Theo Nghị định 109 của Chính phủ hiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy chỉ có y sỹ chứ không có bác sỹ, đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ cũng như kỹ năng tư vấn và điều trị.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh trong thời gian tới là tập trung đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; không tập trung đối tượng quá đông tại một cơ sở cai nghiện mà cần phân nhỏ ra nhiều nơi, đồng thời cải thiện môi trường cai nghiện mới có thể thành công. Các địa phương nên vận dụng các thể chế để triển khai một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Mặc dù thời gian rất hạn chế nhưng các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra được nhiều ý kiến, kiến nghị cũng như đề xuất các giải pháp về công tác quản lý người nghiện ma túy. Các ý kiến của các địa phương và các Bộ ngành Chính phủ sẽ tập hợp và sẽ có thông báo cho các địa phương cũng như các Bộ ngành trong việc rà soát, phối hợp chặt chẽ để triển khai một cách hiệu quả. Phó Thủ tướng cho biết, đối với Luật chưa sửa được sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa luật, còn đối với thể chế liên quan đến Bộ, ngành nào thì ngành đó có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và thông tư, những vấn đề nào liên quan liên ngành thì phải phối hợp để triển khai. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng khẳng định: Trong thời gian tới cần tập trung tăng cường cơ sở vật chất cho các Trung tâm cai nghiện. Giải pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là giải pháp trọng yếu, chiến lược; do vậy cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Mặt trận trận Tổ quốc.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc quản lý các đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng như thế nào? Cộng đồng đoàn thể, mặt trận có tham gia không. Phó Thủ tướng đề nghị, Tòa án Nhân dân tối cáo xây dựng mô hình tòa án ma túy. Mô hình này là giải pháp giáo dục để giảm tỷ lệ tội phạm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải chủ trì mô hình gắn Mặt trận Tổ quốc, công an để có chương trình quản lý người nghiện tại cộng đồng. Tập trung cai nghiện tại cộng đồng phải có sự tham gia của hệ thống chính trị, đoàn thể tại địa phương và có sự phân công của các Bộ ngành và phối hợp với các doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Đặc biệt, cần có giải pháp về hướng nghiệp cho các đối tượng người sau cai nghiện.

                                                                                                Hoàng Cảnh – Lê Việt

 

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương