Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
03:40 PM 29/03/2024
(LĐXH) - Ngày 29/3/2024, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Unicef tại Việt Nam tổ chức Tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đại biểu cấp tỉnh, huyện, xã của các ngành: Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông. Chương trình có sự tham gia của khoảng 24.000 người tại hơn 20.000 điểm cầu thuộc 62/63 tỉnh, thành phố...

Ngay sau khi chính thức hòa mạng Internet toàn cầu vào ngày 01/12/1997, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo của DataReportal về việc áp dụng và sử dụng kỹ thuật số tại Việt Nam vào đầu năm 2024: Có 78,44 triệu người dùng Internet ở Việt Nam vào đầu năm 2024, tỷ lệ sử dụng Internet ở mức 79,1%; Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động di động đã hoạt động ở Việt Nam vào đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số.

Lãnh đạo Cục Trẻ em chia sẻ các thông tin về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội. Bên cạnh các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, thì mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng “tự vệ” cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng. Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết.

Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại chương trình tập huấn
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, tổ chức UNICEF chia sẻ: Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ảnh hưởng đến trẻ em, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của các em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Những hình ảnh, clip độc hại được phát tán tác động tiêu cực đến tâm lý, gây tổn thương nghiêm trọng và dai dẳng cho các em. Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến và ngoại tuyến có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có sự tham gia vào cuộc của các cơ quan của Chính phủ, nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em trao đổi về khung luật pháp chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong thời gian tới cần (i) Hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; (ii) Tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; (iii) Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh để thu hút sự tham gia của trẻ em đối với việc tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng và (iv) Phối hợp với bộ, ngành liên quan về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đại diện các Bộ ngành tham gia tập huấn

Ông Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng chia sẻ thông tin về tình hình thực tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, thực hiện Quyết định 830, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng. Trong 03 năm, lực lượng Công an đã khởi tố hình sự 484 vụ và 553 bị can; xử phạt hành chính 28 vụ, 49 chủ thể vi phạm; phối hợp với gia đình, nhà trường nhắc nhở, giáo dục, răn đe 76 vụ với 163 trường hợp. Các lực lượng đã ngăn chặn hàng chục nghìn trang mạng có nội dung độc hại đối với trẻ em. Bộ Công an hiện đang tích cực triển khai ứng dụng di động “Phòng, chống xâm hại trẻ em” phục vụ tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa trước các nguy trên môi trường mạng.

Tập huấn thu hút sự tương tác sôi nổi của các đại biểu tham gia ở các điểm cầu 
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, riêng năm 2022, Cục An toàn thông tin ghi nhận 13000 trường hợp lừa đảo trực tuyến (bao gồm lừa đảo tài chính và lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân). Những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho trẻ em trên môi trường mạng và một số giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em cũng đã được chia sẻ.
Nội dung Quy trình xử lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng được bà Lê Mai Quyên, Trưởng ca, Tổng đài 111 trình bày. Số liệu của Tổng đài 111 cho thấy, trong 3 năm từ 2021-2023, có 1.300 cuộc gọi đến với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trung bình mỗi ngày có 1,2 cuộc gọi với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng), trong đó: Có 1.224 cuộc gọi tư vấn (tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng 366 cuộc; bóc lột tình dục 28 cuộc; trẻ em bị bạo lực, bắt nạt 132 cuộc; trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm 142 cuộc; cách sử dụng internet an toàn 477 cuộc…). Có 76 ca can thiệp với các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, trẻ em bị bóc lột, bạo lực, đưa hình ảnh trẻ em lên mạng và xúc phạm nhân phẩm. 185 lượt thông báo về kênh, clip có nội dung độc hại với trẻ em trên môi trường mạng./.

Phạm Thuỷ

TAG: BVTE
Tin khác
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Thái Nguyên không ngừng nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải phân công rõ người, rõ việc
Câu lạc bộ Nhà báo Xứ Nghệ tại TPHCM: Trao tặng 400 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó
Nam Trực tích cực thu nhận ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính