Hội nghị nhằm đánh giá công tác trẻ em 06 tháng đầu năm 2023 và định hướng các hoạt động liên quan tới trẻ em trong 06 tháng cuối năm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đại diện các tỉnh khu vực phía Nam có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận, đánh giá cao các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phía Nam đã cố gắng đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế thay đổi liên tục, các tỉnh phía Nam đã tham mưu và đảm bảo chính sách về trẻ em được thực hiện đồng bộ, bên cạnh các chính sách cho người lao động, người dân.
Cũng theo Thứ trưởng, năm 2023 là một năm rất đặc biệt, có ý nghĩa bản lề, đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về công tác trẻ em. Thêm vào đó, quốc tế cũng đánh giá cao những nỗ lực trong công tác bảo đảm quyền trẻ em của Việt Nam, thể hiện rõ tại Phiên đối thoại với Ủy ban quyền trẻ em tại Liên hợp quốc năm 2022.
Thông qua Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn, các đại biểu có thể cùng nhau đánh giá, phân tích thật kỹ những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện công tác trẻ em; trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, giải pháp của Trung ương và địa phương đã thực hiện để đảm bảo thực hiện tốt các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành, thiết lập các hệ thống, mạng lưới trong thực hiện công tác trẻ em tại địa phương; đề xuất những kiến nghị giải pháp mang tính đột phá của địa phương đối với Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thực hiện hiệu quả pháp luật, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án về quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Theo báo cáo tại Hội nghị, 06 tháng đầu năm 2023, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng nhiều báo cáo, dự thảo các quyết định trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng liên quan tới công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên cả nước. Bên cạnh đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã nghiên cứu, đề xuất định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bảo vệ trẻ em và nghiên cứu xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Trong công tác xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, thống kê về trẻ em, Bộ LĐTBXH đã tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay, đã làm sạch 17/23 triệu bản ghi dữ liệu trẻ em, hướng dẫn địa phương triển khai thu thập thông tin, chỉ tiêu, chỉ số (theo Thông tư 13/2021/TT-LĐTBXH).
Chỉ tính riêng trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, cả nước đã xây mới và nâng cấp 272 công trình phục vụ cho trẻ em; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ 17.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng; có 2.400 điểm phát động với gần 600.000 trẻ em tham dự tại nhiều địa phương; gần 460.000 trẻ em được tặng quà với kinh phí hơn 30 tỷ đồng; gần 14.000 trẻ em được trao học bổng với trị giá 9,4 tỷ đồng; hơn 66.000 lượt trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng…
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Cục Trẻ em báo cáo đánh giá công tác trẻ em 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác trẻ em 6 tháng cuối năm 2023. Chia sẻ những giải pháp, mô hình, kinh nghiệm tốt; những thuận lợi khó khăn trong triển khai thực hiện công tác trẻ em tại địa phương; chia sẻ kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg và thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quyết định; triển khai Thông tư số 27/2022/TT-LĐTBXH về hướng dẫn tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục; chia sẻ về kế hoạch tổ chức diễn đàn trẻ em và các vấn đề trẻ em tại địa phương; các mô hình về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các Chương trình, Đề án trẻ em năm 2023…
Đăng Doanh