Tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật
(LĐXH) - Sáng ngày 27/10, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã tổ chức buổi Tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí nhằm giúp các đơn vị sự chia sẻ, kết nối, thúc đẩy công tác truyền thông, có định hướng truyền thông lĩnh vực người khuyết tật chính xác, phù hợp.
Tại Hội nghị, Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng Phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội) đã chia sẻ một số thông tin về chính sách trợ giúp NKT. Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, Việt Nam hiện có trên 7 triệu NKT, trong đó số NKT nặng, đặc biệt nặng rất lớn. Lĩnh vực NKT được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, Việt Nam đã ký tham gia công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với NKT được nâng lên, NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn trong hoạt động hòa nhập vào đời sống xã hội.
Các cơ quan Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, nhất là việc chăm lo cuộc sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội. Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức, qua đó tạo điều kiện để các tổ chức NKT đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp NKT.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng... Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp và chậm được điều chỉnh. Số NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác NKT là hoạt động từ thiện, nhân đạo, là trách nhiệm của ngành Lao động – TBXH. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT. Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng. Một số nơi công tác tổ chức thực Luật Người khuyết tật và các chính sách về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện.
Để phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm lo, giúp đỡ NKT, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật; Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp người khuyết tật; Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng các cấp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật.
Để làm tốt công tác đó thì vai trò của các cơ quan báo chí là rất quan trọng trong việc truyền tải văn bản chính sách đến với người dân, đối tượng. Các ý kiến tại buổi tập huấn đặc biệt khẳng định vai trò to lớn của báo chí truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, xóa bỏ định kiến, kỳ thị về NKT để tăng cường tiếng nói cũng như thúc đẩy việc thực hiện quyền của NKT ở Việt Nam hiện nay. Từ đó báo chí truyền thông có cách làm phù hợp khi tiếp cận, khai thác đề tài và tuyên truyền về NKT nhằm giảm thiểu sự phân biệt đối xử kỳ thị liên quan tới NKT.
Tuy nhiên, để biến những bài viết mang tính tuyên truyền về đối xử bình đẳng đối với NKT thành thực tiễn là hết sức khó khăn. Công tác truyền thông không nên theo lối mòn, mà cần cổ vũ NKT tự vươn lên hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, ngoài việc cố gắng thông tin trung thực và đòi hỏi quyền lợi cho NKT, ngôn ngữ sử dụng khi nói về NKT phải thể hiện sự tôn trọng và tránh gây tổn thương đối với NKT. Báo chí truyền thông cần đưa tin theo xu hướng tích cực hơn. Chính lăng kính của nhà báo về NKT có ảnh hưởng to lớn đến bạn đọc và xã hội. Hy vọng báo chí sẽ mang tới những thông điệp mang tính chất kêu gọi, giúp đỡ và hỗ trợ tích cực với NKT để họ có thể sống tích cực, sống độc lập và thúc đẩy sự tự tin của họ.
Tại Hội nghị, các nhà báo đã chia sẻ, thảo luận một số thông tin cơ bản về NKT; cách thức báo chí, truyền thông đưa tin về NKT; các nguyên tắc đưa tin và những lưu ý khi viết về NKT, một số tình huống cụ thể./.
Hồng Phượng
TAG: